Silicone ắt hẳn là từ khóa mà ai cũng đã nghe qua hoặc tìm hiểu trong quá trình dưỡng tóc. Có hàng ngàn chủ đề bàn luận xung quanh lợi ích và tác dụng phụ của thành phần này.

Silicone có tác dụng tạo lớp màng bao phủ sợi tóc, giúp tóc bóng mượt, giảm xơ rối và hạn chế sự hư tổn từ môi trường bên ngoài. Nhưng nếu bị tích tụ sản phẩm lâu ngày, silicone mang đến cảm giác bết nhờn, khô xơ và làm tóc hư tổn hơn.

Silicone trong các sản phẩm chăm sóc tóc là gì?

Silicone là gì? Đây là thành phần polyme tổng hợp, silicone có tác dụng tạo ra lớp màng giúp giữ ẩm cho thân tóc. Thành phần này tương thích với vật liệu sinh học như tóc, nên silicone rất phổ biến trong dầu gội, dầu xả với tác dụng làm mượt tóc, tạo độ bóng và bảo vệ tóc khỏi nhiệt độ cao.

Khi sử dụng trên mái tóc, thành phần này sẽ tạo một lớp màng lên trên thân tóc. Việc này giúp ngăn ngừa sự mất nước cũng như giảm ma sát giữa các sợi tóc, tóc không bị xơ rối và dễ vào nếp hơn, khi chải tóc sẽ giảm tình trạng gãy rụng.

Trong quá trình tạo kiểu cho tóc bằng các loại máy sấy, máy uốn duỗi, máy ép tóc, lớp màng silicone giúp thân tóc không tiếp xúc trực tiếp với nhiệt. Tóc sẽ hạn chế hư tổn trước tác hại của môi trường và nhiệt độ cao.

Không khó để nhận ra dầu gội hay dầu xả có chứa silicone hay không. Bạn hãy đọc kỹ bảng thành phần của mặt sau mỗi chai. Tên hóa học có thể khác nhau do tính chất marketing sản phẩm, nhưng hầu hết silicone đều có chữ “cone” hoặc “oxane” ở phía cuối từ như “dimethicone”, “amodimethicone”, “cyclomethicone”.

silicone co trong dau goi dau
Silicone là thành phần phổ biến trong dầu gội

Các loại silicone chăm sóc tóc thường gặp

Nếu để ý bảng thành phần, bạn có thể sẽ bắt gặp nhiều loại silicone trong đó. Không phải tất cả chúng đều giống nhau về tác dụng. Có thể phân thành 4 nhóm silicone liên quan đến khả năng rửa trôi bằng nước và sự tích tụ sản phẩm.

Silicone không tan trong nước và dễ tích tụ

Đây là nhóm silicone phổ biến nhất, giúp tóc mượt và sáng bóng. Nhưng chúng sẽ tích tụ khi sử dụng thường xuyên, gây nhờn, làm nặng tóc và rất khó xử lý. Có thể phải sử dụng các loại dầu gội làm sạch sâu vài lần để loại bỏ hoàn toàn.

Nếu không loại bỏ được, lớp màng do thành phần này tạo ra làm cho tóc không được cấp ẩm, dẫn đến tóc khô và dễ gãy. Có thể kể đến một vài thành phần:

  • Trimethylsiylamodimethicone
  • Cetyl dimethicone
  • Polysilicone-18 Cetyl Phosphate
  • Propyl Dimethicone
  • Stearoxy dimethicone
  • Dimethiconol hydroxystearate
  • Behenoxy dimethicone
  • Bis-Phenylpropyl Dimethicone
  • Stearyl dimethicone
  • Cetearyl methicone
mot vai silicone khong tan kho rua troi

Silicone khó tan trong nước nhưng cũng ít gây ra tích tụ

Loại này không gây tích tụ trên tóc, nhưng phải cẩn thận khi sử dụng thì khó rửa trôi. Vẫn phải dùng đến dầu gội làm sạch sâu để rửa sạch chúng, nếu không tóc của bạn sẽ khô dần theo thời gian khi sử dụng thành phần này thường xuyên.

Tuy nhiên, loại silicone này lại ít gây tích tụ sản phẩm trên tóc bởi các lớp màng silicone này không xếp chồng lên nhau. Vì thế thân tóc không có cảm giác nặng hay nhờn nhiều.

Nhóm này có thể phù hợp cho những người có mái tóc hư tổn, thường xuyên tạo kiểu bằng nhiệt. Có thể kể đến một vài cái tên như:

  • Dimethicone crosspolymer
  • Aminopropyltriethoxysilane
  • Dimethicone, Dimethicone PEG/PPG, hoặc -dimethylsiloxane
  • Bis-aminopropyl Dimethicone
  • Aminopropyl Dimethicone
  • Vinyldimethicone Crosspolymer

Silicone dễ rửa trôi

Những loại silicone này có tác dụng làm tóc mượt và mềm hơn, giảm tình trạng xù rối. Chúng có thể bảo vệ tóc bởi tác động có hại từ môi trường bên ngoài như tia UV, máy tạo kiểu đồng hời dễ dàng lan tỏa đều hơn trên mái tóc.

Sử dụng dầu gội có chất hoạt động bề mặt không ion (tính tẩy nhẹ) có thể rửa trôi được thành phần silicone này. Nên nếu chỉ sử dụng thành phần silicone này trên thân tóc thì cũng không có quá nhiều lo ngại về chúng.

Tuy nhiên, dẫu sao thì đây vẫn là loại silicone cần rửa trôi bằng dầu gội. Nên nếu bạn sử dụng chúng mà để lâu ngày không gội đầu, tóc bạn vẫn có thể bị khô xơ bởi thiếu độ ẩm.

Có thể liệt kê ra một số loại thông dụng:

  • Silica
  • Silicone resin
  • Silsequioxanes
  • Bất kỳ loại Methicone hoặc Dimethicone biến đổi PEG/PPG nào.
  • Diphenyl Dimethicone
  • Dimethicone copolyol
  • Hydroxypropyl Polysiloxane
  • Lauryl methicone copolyol
  • Phenyltrimethicone
  • Dimethicone
  • Siloxysilicates
  • Trisiloxane
  • Dimethiconol
  • Disiloxane
  • Amodimethicone

Trong những cái tên bên trên, có một số loại hạn chế sử dụng trong thời tiết hanh khô vì chúng có khả năng hút ẩm từ tóc, làm cho tóc khô xơ. Cụ thể là những loại methicone hay dimethicone peg/ppg, dimethicone copolyol.

cấu trúc hóa học của silicone dimethicone có trong các sản phẩm chăm sóc tóc
Cấu trúc hóa học của silicone dimethicone có trong các sản phẩm chăm sóc tóc - Nguồn: hairknowhow.com

Silicone có khả năng bay hơi

Đây là những loại silicone có khả năng bay hơi hoàn toàn khỏi mái tóc sau một thời gian sử dụng từ 10 phút cho đến vài giờ. Vì thế, chúng không gây ra hiện tượng tích tụ hay khóa ẩm trên thân tóc. Các loại silicone này thường có mặt trong những sản phẩm serum dưỡng tóc, hay đóng vai trò thành phần phân phối cho các thành phần dưỡng chất có trong sản phẩm.

Tuy nhiên, các loại silicone này cũng không có tác dụng dưỡng tóc. Có thể kể đến:

  • Cyclomethicone và các loại cyclo-XXX-siloxane khác
  • Decamethylcyclotetrasiloxane
  • Hexamethylcyclotrisiloxane
  • Hexamethyldisiloxane
  • Octamethylcyclotetrasiloxane

Silicone có gây hại cho mái tóc không?

Những lợi ích của Silicone có thể kể đến như làm tóc suôn mượt tức thì, giúp tóc bóng khỏe, dễ chải và tạo nếp. Silicone tạo lớp màng bao phủ thân tóc giúp hạn chế hư tổn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, tia uv… Ngoài ra, tóc được hạn chế ma sát giữa các sợi tóc giúp chống rối, giảm xơ rối.

Tuy nhiên, nếu sử dụng silicone thường xuyên, đặc biệt là với các loại silicone không tan trong nước sẽ dẫn tình trạng mái tóc bị gãy rụng. Việc tích tụ sản phẩm làm cho tóc bị xỉn màu, sợi tóc bị kéo nặng và nhanh bết nhờn. Lớp màng silicone còn cản trở những thành phần có tác dụng dưỡng tóc thấm sâu vào sợi tóc. Sử dụng trên da đầu có thể làm bít tắc chân tóc dễ xảy ra tình trạng gàu ngứa.

Có nên tránh xa silicone?

Silicone không quá gây hại cho mái tóc của bạn nhưng cần phải lựa chọn loại phù hợp đối với tình trạng tóc.

Nếu tóc bạn bị hư tổn, khô xơ: Amodimethicone hoặc các loại silicone bay hơi có thể lấp đầy những vùng trống trên thân tóc. Tóc cảm thấy được khỏe hơn, giảm tình trạng gãy rụng mà ít gây ra tác dụng phụ.

Nếu tóc bạn khỏe và ít hư tổn: Bạn có thể lựa chọn sản phẩm không chứa silicone hoặc chỉ dùng dầu xả chứa silicone nhẹ (là loại silicone dễ rửa trôi, hạn chế tích tụ trên tóc).

Nếu tóc bạn dầu nhiều và dễ bết: Hạn chế sử dụng sản phẩm chứa silicone hoặc chỉ dùng silicone tan trong nước.

Nếu bạn theo phương pháp chăm sóc tóc thiên nhiên: bạn có thể lựa chọn các loại tinh dầu dưỡng tóc hay dầu dừa lên men để thay thế silicone.

su dung silicone dung cach
Sử dụng silicone đúng cách giúp mái tóc mềm mượt và hạn chế gãy rụng khi chải tóc.

Sử dụng Silicone đúng cách

Thật ra silicone có nhiều lợi ích cho mái tóc, giúp tóc không bị rối, giảm việc gãy rụng khi chải tóc hay tạo kiểu. Tuy nhiên, cần phải sử dụng silicone đúng cách.

Theo các khuyến cáo từ chuyên gia, hoặc ngay trên các dầu xả có ghi rõ, silicone không nên sử dụng trực tiếp trên da đầu. Sử dụng các chất tạo mượt ảo này trên da đầu sẽ có thể gây ngứa da đầu.

Gây bít tắc chân tóc

Một số loại silicone không tan trong nước có thể tạo lớp màng bao bọc da đầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây bết dầu và xuất hiện gàu

Có thể gây kích ứng da đầu

Với những người có da đầu nhạy cảm, khi sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc có silicone trên da đầu có thể bị ngứa, đỏ… do bụi bẩn và dầu dừa bị giữ lại.

Tóc nhanh bết hơn

Nếu sản phẩm chăm sóc tóc chứa silicone tiếp xúc với da đầu nhiều dầu, có thể dẫn đến việc mái tóc nhanh nhờn bết.

Sử dụng silicone đúng cách như thế nào?

Silicone chỉ nên thoa lên thân tóc cho đến ngọn tóc vì đây là phần cần tạo độ mượt, bóng và bảo vệ trước môi trường bên ngoài. Nếu bạn hay sử dụng sản phẩm có silicone, hãy sử dụng dầu gội có chứa chất hoạt động bề mặt nhẹ (như Sodium Lauroyl Sarcosinate) hoặc dầu gội làm sạch sâu (có chứa sulfate như sls/sles) 1 – 2 lần/tuần để tránh tích tụ silicone.

Một số loại silicone có tính khóa ẩm cao như dimethicone. Nếu tóc khô và hư tổn, bạn có thể sử dụng các loại dầu dưỡng tóc như argan, jojoba, dầu dừa lên men hoặc kem ủ có chứa glycerin, panthenol trước khi sử dụng sản phẩm có chứa silicone. Điều này đảm bảo tóc được cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cần thiết trước khi silicone tạo lớp màng bảo vệ.

Đối với da đầu nhạy cảm, hãy chọn loại dầu gội không chứa silicone nhưng vẫn có thể sử dụng dầu xả có silicone cho phần thân và ngọn tóc nhé.

Có thể bạn quan tâm:

Những thông tin bên trên có thể đã giải đáp cho bạn phần nào câu hỏi “silicone là gì“. Cho đến hiện tại, rất nhiều sản phẩm chăm sóc tóc có chứa silicone vì những lợi ích mà chúng mang lại. Việc sử dụng silicone trong công cuộc làm đẹp cho tóc là khó tránh khỏi.

Silicone không phải là “ông kẹ” hay “chất độc” đối với mái tóc nhưng cũng không phải là thành phần chăm sóc tóc hoàn hảo. Vì thế, hãy hiểu rõ loại tóc cũng như tình trạng tóc mà bạn đang gặp phải để có sự lựa chọn đúng, không nhất thiết phải tẩy chay hoàn toàn silicone.

Tài liệu tham khảo

1. Ultimate Guide To Silicones In Hair Shampoos And Conditioners, Home Professional Hair Testing Services – Hair Clinics, Trichologists and Private Clients, hairknowhow.com.

2. O’Lenick, T. (2008). “Cyclic Silicone vs. Volatile Silicone.” Cosmetics and Toiletries, cosmeticsandtoiletries.com. Accessed 30 Jan 2014.

3. Hair Oil vs. Hair Serum: What’s the Difference? InStyle: Beauty Tips, Celebrity Style and Fashion Advice.

4. McKay, T. (2007). “Amodimethicone and other Amine-functionalized Silicones.” Naturally Curly, naturallycurly.com. Accessed 29 Jan 2014

5. Berthiaume, M.D. (1999). “Silicones in Cosmetics.” In Goddard, E.D. & Gruber, J.V. (Eds.), Principles of Polymer Science and Technology in Cosmetics and Personal Care, (275-324). CRC Press.

6. What You Need to Know about Silicone in Haircare, Clinically Proven To Reverse Hair Damage – K18 Hair Australia.