Bạn có biết rằng vitamin E (tocopherol) không chỉ là một dưỡng chất quen thuộc mà còn ẩn chứa sức mạnh đặc biệt giúp biến đổi làn da? Từ khả năng chống lão hóa, bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời cho đến việc hỗ trợ làm mờ vết thâm, vitamin E được coi là “bí quyết” của làn da sáng khỏe. Cùng Kiến Không Ngủ khám phá lý do tại sao nên bổ vitamin E vào qui trình chăm sóc da hằng ngày nhé.
Nhu cầu vitamin E của cơ thể
Vitamin E là thành phần hòa tan trong lipid chính trong hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của tế bào và chỉ có trong chế độ ăn uống. Vitamin E có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể do hoạt động chống oxy hóa của nó.
Quá trình oxy hóa có liên quan đến nhiều tình trạng và bệnh tật có thể xảy ra, bao gồm ung thư, lão hóa, viêm khớp và đục thủy tinh thể; vitamin E đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại những bệnh này [1].
Thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến các bệnh lý yếu cơ, các vấn đề về thị lực, suy giảm miễn dịch, thiếu máu do tổn thương oxi hóa ở các tế bào hồng cầu, lão hóa sớm [2].
Vitamin E có lợi cho da không?
Vitamin E là thành phần tự nhiên của làn da khỏe mạnh. Nó cung cấp các đặc tính chống oxy hóa đáng kể để giúp bảo vệ khỏi ô nhiễm và các tác nhân gây căng thẳng khác từ môi trường, nếu không sẽ làm da yếu đi, gây ra những thay đổi không mong muốn, thúc đẩy lão hóa [3].
Vitamin E bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ mặt trời gây ra bằng cách hoạt động như một chất diệt gốc tự do. Thật không may, lượng vitamin E tự nhiên trong da giảm đi theo thời gian làm suy yếu khả năng chống lại dấu hiệu lão hóa.
Vitamin E bôi tại chỗ làm dịu, giữ ẩm cho da, thẩm thấu sâu vào lớp biểu bì trong phần ưa mỡ và chống lại các gốc tự do ngăn ngừa lão hóa [3].
Vitamin E có làm mờ vết thâm không?
Vitamin E không tự loại bỏ các đốm nâu trên da, nhưng thông qua vai trò là chất chống oxi hóa, nó có thể ngăn ngừa stress oxi hóa để giảm tình trạng hình thành sắc tố trên da [4].
Vitamin E thường được sử dụng kết hợp với các thành phần khác để tăng hiệu quả trong khả năng làm sáng da.
Kết hợp vitamin E và vitamin C có tốt không?
Nhiều nghiên cứu về việc kết hợp vitamin E và vitamin C trong chăm sóc da đã chứng minh đây là hướng đi tuyệt vời trong lĩnh vực thẩm mỹ [5, 6, 7, 8, 9].
Kết hợp vitamin E và C trong sản phẩm tăng khả năng loại bỏ gốc tự do từ hạ bì đến biểu bì. Một nghiên cứu chỉ ra rằng sự kết hợp của 15% acid L-ascorbic và 1% α-tocopherol mang lại hiệu quả bảo vệ đáng kể chống lại ban đỏ và sự hình thành tế bào cháy nắng [6, 8].
Sự kết hợp vitamin E và vitamin C có thể cải thiện tình trạng xuất hiện các đốm đen , tăng cường khả năng phòng vệ của da trước tác động của môi trường và làm sáng làn da xỉn màu [9].
Vậy Vitamin E có làm mờ sẹo không?
Mặc dù một số tài liệu có đề cập đến việc bôi vitamin E sẹo để làm mờ sẹo. Nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy nó có tác dụng trong trường hợp đó [10, 11]. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy sử dụng vitamin E nguyên chất có thể dẫn đến phản ứng nhạy cảm [11].
Hãy giữ lại vitamin E để sử dụng trong quy trình chăm sóc da hàng ngày của bạn theo hướng dẫn đã được nghiên cứu.
Các loại vitamin E trong chăm sóc da?
Vitamin E tự nhiên tồn tại dưới 8 dạng khác nhau, trong đó có 4 tocopherol và 4 tocotrienol. Các tocopherol và tocotrienol đều có dạng alpha, beta, gamma và delta, được xác định theo số lượng và vị trí của các nhóm metyl trên vòng chromanol. Mỗi dạng có hoạt động sinh học hơi khác nhau [12].
Các dạng điển hình nhất trong các sản phẩm chăm sóc da là d-α-tocopherol, d-α-tocopherol acetate, dl-α-tocopherol và dl-α-tocopherol acetate.
Tiền tố “d” chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, chẳng hạn như dầu thực vật hoặc mầm lúa mì; trong khi tiền tố “dl” chỉ ra rằng vitamin được tạo ra từ chất tổng hợp.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các dạng vitamin E tự nhiên có hiệu quả hơn các dạng tổng hợp, nhưng cả hai đều có hoạt tính chống oxy hóa [13].
Có nên sử dụng vitamin E mỗi ngày trong chăm sóc da?
Như đã đề cập ở trên, vitamin E rất cần thiết cho làn da. Nhưng nó lại bị cạn kiệt theo thời gian trong quá trình bảo vệ da khỏi các tác nhân bất lợi.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm kết hợp vitamin E cho da mỗi ngày. Vì đây là thành phần tự nhiên của làn da khỏe mạnh nên nó có nhiều lợi ích cho mọi loại da, ngay cả làn da nhạy cảm hoặc dễ bị mẩn đỏ.
Tài liệu tham khảo
1. Rizvi S, Raza ST, Ahmed F, Ahmad A, Abbas S, Mahdi F. The role of vitamin e in human health and some diseases. Sultan Qaboos Univ Med J. 2014 May;14(2):e157-65. Epub 2014 Apr 7. PMID: 24790736; PMCID: PMC3997530.
2. Li D, Saldeen T, Romeo F, Mehta JL. Relative Effects of alpha- and gamma-Tocopherol on Low-Density Lipoprotein Oxidation and Superoxide Dismutase and Nitric Oxide Synthase Activity and Protein Expression in Rats. J Cardiovasc Pharmacol Ther. 1999 Oct;4(4):219-226. doi: 10.1177/107424849900400403. PMID: 10684543.
3. Keen MA, Hassan I. Vitamin E in dermatology. Indian Dermatol Online J. 2016 Jul-Aug;7(4):311-5. doi: 10.4103/2229-5178.185494. PMID: 27559512; PMCID: PMC4976416.
4. M.A. Birch‐Machin, A. Bowman, Oxidative stress and ageing, British Journal of Dermatology, Volume 175, Issue S2, 1 October 2016, Pages 26–29, https://doi.org/10.1111/bjd.14906
5. Eberlein‐König, B., and J. Ring. “Relevance of vitamins C and E in cutaneous photoprotection.” Journal of cosmetic dermatology 4.1 (2005): 4-9.
6. Lin, Jing-Yi, et al. “UV photoprotection by combination topical antioxidants vitamin C and vitamin E.” Journal of the American Academy of Dermatology 48.6 (2003): 866-874.
7. Murray, John C., et al. “A topical antioxidant solution containing vitamins C and E stabilized by ferulic acid provides protection for human skin against damage caused by ultraviolet irradiation.” Journal of the American Academy of Dermatology 59.3 (2008): 418-425.
8. Lin FH, Lin JY, Gupta RD, Tournas JA, Burch JA, Selim MA, Monteiro-Riviere NA, Grichnik JM, Zielinski J, Pinnell SR. Ferulic acid stabilizes a solution of vitamins C and E and doubles its photoprotection of skin. J Invest Dermatol. 2005 Oct;125(4):826-32. doi: 10.1111/j.0022-202X.2005.23768.x. PMID: 16185284.
9. Burke KE. Interaction of vitamins C and E as better cosmeceuticals. Dermatol Ther. 2007 Sep-Oct;20(5):314-21. doi: 10.1111/j.1529-8019.2007.00145.x. PMID: 18045356.
10. Jenkins M, Alexander JW, MacMillan BG, Waymack JP, Kopcha R. Failure of topical steroids and vitamin E to reduce postoperative scar formation following reconstructive surgery. J Burn Care Rehabil. 1986 Jul-Aug;7(4):309-12. doi: 10.1097/00004630-198607000-00002. PMID: 3312212.
11. Baumann LS, Spencer J. The effects of topical vitamin E on the cosmetic appearance of scars. Dermatol Surg. 1999 Apr;25(4):311-5. doi: 10.1046/j.1524-4725.1999.08223.x. PMID: 10417589.
12. Traber MG, Atkinson J. Vitamin E, antioxidant and nothing more. Free Radic Biol Med. 2007 Jul 1;43(1):4-15. doi: 10.1016/j.freeradbiomed.2007.03.024. Epub 2007 Mar 31. PMID: 17561088; PMCID: PMC2040110.
13. Kosowski, Amy, and Dallas L. Clouatre. “Vitamin E: natural vs. synthetic.” Tocotrienols: vitamin E beyond tocopherols. Vol. 1. CRC Press Boca Raton, 2008. 61-75.