Lão hóa da luôn là nỗi lo lớn khi làn da bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu như nếp nhăn, da chảy xệ và thâm nám. Các tác nhân từ môi trường như tia UV, ô nhiễm và gốc tự do là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn. Nhiều nổ lực nghiên cứu chỉ ra rằng, vitamin C với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, kích thích sản xuất collagen và làm sáng da, trở thành thành phần không thể thiếu để duy trì làn da trẻ trung, săn chắc và đều màu. Trong bài này, Kiến Không Ngủ sẻ đề cập đến vai trò của vitamin C trong chăm sóc da, ngăn ngừa lão hóa.

Vitamin C

Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi cùi trắng như cam, chanh, quýt và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, cải brussel,rau cải, cà chua, cải xoong, v.v.

Vitamin C là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người, với chức năng đa hình liên quan đến khả năng cho electron. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh và là đồng yếu tố cho một họ các enzyme sinh tổng hợp và điều hòa gen.

Vitamin C đóng vai trò là chất chống oxy hóa chính trong pha nước của da. Nó không chỉ trung hòa các loại oxy phản ứng phá hủy da mà còn tích cực tái chế vitamin E, có tác dụng bảo vệ lipid và màng tế bào khỏi những tác hại oxy hóa này.

cau-truc-vitamin-c
Cấu trúc hóa học vitamin C và một số dẫn xuất của nó. Nguồn: Researchgate

Cơ thể chúng ta có tự tổng hợp vitamin C không?

Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà con người không thể tổng hợp được do mất một loại enzyme quan trọng (L-gulono-gamma-lactone oxidase) trong con đường sinh tổng hợp [1].

Chúng ta phải bổ sung vitamin c từ các nguồn tự nhiên như trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, dâu tây, đu đủ và bông cải xanh v.v.

vitamin-C-trong-rau-qua
Rau quả là nguồn bổ sung vitamin C tự nhiên. Nguồn ảnh: Freepik

Sự hấp thụ vitamin C trong ruột bị hạn chế bởi cơ chế vận chuyển tích cực và do đó chỉ hấp thụ một lượng hữu hạn mặc dù liều uống cao. Hơn nữa, khả dụng sinh học của vitamin C trong da không đủ khi dung qua đường uống [2]. Do đó, việc sử dụng axit ascorbic tại chỗ được ưa chuộng trong thực hành chăm sóc da [3].

Tác dụng của vitamin C trong chăm sóc da

Vitamin C như chất chống oxy hóa

Vitamin C là thành phần chống oxy hóa dồi dào nhất trong da người, tạo thành một phần của nhóm phức hợp các chất chống oxy hóa có bản chất enzym và không phải enzym cùng tồn tại để bảo vệ da khỏi các loại oxy phản ứng (ROS).

Các dẫn xuât vitamin C hầu hết tan trong nước nên nó hoạt động trong các ngăn chứa nước của tế bào. Vitamin C bảo vệ da khỏi stress oxy hóa bằng cách tuần tự cung cấp electron để trung hòa các gốc tự do [4,5].

Vitamin C bảo vệ tổn thương da do ánh sáng

Da tiếp xúc với UV tạo ra các ROS như ion superoxide, peroxide và oxy đơn. Các gốc này có khả năng phản ứng dây chuyền làm hỏng tế bào. Chất chống oxi hóa rất cần thiết để trung hòa ROS hình thành do tiếp xúc với tia cực tím.

Tia UVB (280-320 nm) chủ yếu ảnh hưởng đến lớp biểu bì gây cháy nắng, ROS, đột biến biểu bì và ung thư da. Tia UVA (320-400 nm) thâm nhập sau hơn vào lớp hạ bì gây đột biến và phá hủy collagen, elastin, proteoglycan và cấu trúc tế bào hạ bì khác gây lão hóa da [6]. Vitamin C có hiệu quả bảo vệ da như nhau đối với cả UVB và UVA [7].

Mặc dù riêng vitamin C có thể cung cấp khả năng bảo vệ da khỏi ánh sáng, nhưng thành phần này hoạt động tốt nhất khi kết hợp với vitamin E [5].

Vitamin C tăng cường tổng hợp và ổn định Collagen

Vitamin C kích hoạt trực tiếp quá trình phiên mã tổng hợp collagen và ổn định mRNA procollagen, do đó điều chỉnh tăng cường quá trình tổng hợp collagen [8, 9].

Vitamin C đóng vai trò là đồng yếu tố cho các enzyme prolysyl và lysyl hydroxylase, các enzyme chịu trách nhiệm ổn định và liên kết chéo các phân tử collagen [9].

Vitamin C khử sắc tố

Vitamin C đóng vai trò là thành phần cản trở hình thành sắc tố trên da. Thành phần này tương tác với các ion đồng tại vị trí hoạt động của tyrosinase và ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase, từ đó làm giảm sản xuất melanin.

Do tính chất không ổn định nên vitamin C thường được kết hợp với các thành phần khử sắc tố khác để tăng khả năng khử hiệu quả, ví dụ như chiết xuất cam thảo, đậu nành v.v.

Tác dụng chống viêm và chữa lành vết thương của vitamin C

Vitamin C làm giảm biểu hiện của các chất trung gian gây viêm và tăng cường biểu hiện của nhiều chất trung gian chữa lành vết thương khác nhau [10]. Do đó, vitamin C có hoạt tính chống viêm tiềm tàng và có thể được sử dụng trong các tình trạng như mụn trứng cá thông thường và bệnh trứng cá đỏ.

Vitamin C có thể làm thay đổi hồ sơ biểu hiện gen trong nguyên bào sợi da, thúc đẩy sự tăng sinh và di chuyển của nguyên bào sợi, điều này rất cần thiết cho quá trình tái tạo mô và chữa lành vết thương [10, 11].

Các dẫn xuất của Vitamin C trong chăm sóc da

L-ascorbic acid

Vitamin C dưới dạng L-ascorbic là phân tử mà cơ thể sử dụng. Vì bản chất phân tử không ổn định trong tự nhiên, đặt biệt do tiếp xúc với ánh sáng nên các dẫn xuất vitamin C có hoạt động sinh lý và ổn định về mặt hóa học được nghiên cứu và ứng dụng.

3-O Ethyl Ascorbic Acid

3-O-ethyl ascorbic acid là một dẫn xuất ổn định của vitamin C, có khả năng tan trong nước và dầu, dễ dung nạp qua da, ổn định tối ưu ở pH 4-4.5. Dẫn xuất này có công dụng tương tự vitamin C.

3-Glyceryl Ascorbate

3-glyceryl ascorbate là một dẫn xuất vitamin C ổn định, được tổng hợp bằng cách liên kết ascorbic acid với glycerin. Có đặc tính dưỡng ẩm được tăng cường so với L-ascorbic. Dẫn xuất này hoạt động tối ưu ở pH 3-5.

Ascorbyl Glucoside

Ascorbyl glucoside là một dạng vitamin C ổn định kết hợp với đường glucose. Hoạt động ở pH 5-7.

Khác với tác động trực tiếp lên da như các dẫn xuất vitamin C khác, ascorbyl glucoside sau khi lên da sẽ trải qua một quá trình hấp thụ và chuyển đổi thì mới mang lại hiệu quả. Sau khi dẫn xuất này được hấp thụ vào da, một loại Enzyme được gọi là Alpha-Glucosidas sẽ phân hủy nó thành L – Ascorbic Acid.

Ascorbyl Palmitate

Ascorbyl palmitate là một dạng vitamin C ổn định tan trong dầu, được tổng hợp bằng cách kết hợp ascorbic acid với palmitic acid. Nó còn được gọi là ascorbyl-6 palmitate và có hiệu quả ở độ pH là 6. Dẫn xuất này không thâm nhập tốt như L-ascorbic acid và việc chuyển dổi cũng không hiệu quả bằng các dạng khác.

Tetrahexyldecyl Ascorbate

Tetrahexyldecyl ascorbate là dẫn xuất vitamin C tan trong dầu, có độ ổn định cao và hấp thụ qua da tốt, hiệu quả ở pH 5-6, công dụng tương tự L-ascorbic acid.

Sau khi hấp thụ qua da, các enzyme trong da sẽ chuyển đổi tetrahexyldecyl ascorbate thành L-ascorbic acid. Dẫn xuất này hòa tan trong lipid nên có thể thâm nhập sau vào trong da hơn.

Sodium ascorbyl photphat

Sodium ascorbyl photphate là một dạng vitamin C ổn định cao hoạt động ở pH trung tính, tan trong nước được tạo ra từ việc kết hợp axit ascorbic với photphat và muối. Cũng giống như vitamin C nguyên chất, sodium ascorbyl photphate có chức năng như một chất chống oxy hóa trên và trong da.

Magnesium Ascorbyl Phosphate

Là một dạng Vitamin C ổn định tan trong nước và ưa dầu được tạo ra bằng cách kết hợp axit ascorbic với muối magie để tăng cường tính ổn định trong môi trường. Thành phần này hoạt động tốt nhất ở mức độ pH từ 5-6. Vì đặc tính ưa dầu nên magnesium ascorbyl phosphate thẩm thấu vào da tốt hơn so với L-ascorbic acid. Tuy nhiên dẫn xuất này có khả năng chống oxi hóa thấp hơn vitamin C nguyên chất.

Lưu ý khi sử dụng vitamin C bôi tại chỗ

Vitamin C nguyên chất (L-ascorbic acid) là thành phần không ổn định, bị oxi hóa khi tiếp xúc với ánh sáng và không khí, hiệu quả hoạt động ở pH thấp (<3,5) nên khó bảo quản và ứng dụng trực tiếp vào sản phẩm.

Các sản phẩm chăm sóc da trên thị trường thường chứa dẫn xuất vitamin C ổn định hơn nhưng có hiệu quả về mặt sinh lý cũng có sự khác nhau.

Nồng độ vitamin C ở nồng độ cao (>20%) cũng có thể gây kích ứng da, nên sử dụng bắt đầu với nồng độ thấp rồi tăng dần.

Kết luận

Vitamin C là một trong những thành phần quan trọng và hiệu quả nhất trong chăm sóc da, nhờ vào khả năng chống oxy hóa, tăng cường sản xuất collagen và làm sáng da. Bằng cách bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và làm giảm dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và thâm nám, vitamin C giúp duy trì làn da tươi trẻ và khỏe mạnh. Khi được sử dụng đúng cách và thường xuyên, vitamin C sẽ là chìa khóa để mang lại làn da săn chắc, sáng mịn và rạng rỡ dài lâu.

Tài liệu tham khảo

1. Nishikimi M, Fukuyama R, Minoshima S, Shimizu N, Yagi K. Cloning and chromosomal mapping of the human nonfunctional gene for L-gulono-gamma-lactone oxidase, the enzyme for L-ascorbic acid biosynthesis missing in man. J Biol Chem. 1994 May 6;269(18):13685-8. PMID: 8175804.

2. Telang, Pumori Saokar. Vitamin C in dermatology. Indian Dermatology Online Journal 4(2):p 143-146, Apr–Jun 2013. | DOI: 10.4103/2229-5178.110593

3. Matsuda S, Shibayama H, Hisama M, Ohtsuki M, Iwaki M. Inhibitory effects of a novel ascorbic derivative, disodium isostearyl 2-O-L-ascorbyl phosphate on melanogenesis. Chem Pharm Bull (Tokyo). 2008 Mar;56(3):292-7. doi: 10.1248/cpb.56.292. PMID: 18310938.

4. Valacchi G, Sticozzi C, Belmonte G, Cervellati F, Demaude J, Chen N, Krol Y, Oresajo C. Vitamin C Compound Mixtures Prevent Ozone-Induced Oxidative Damage in Human Keratinocytes as Initial Assessment of Pollution Protection. PLoS One. 2015 Aug 13;10(8):e0131097. doi: 10.1371/journal.pone.0131097. PMID: 26270818; PMCID: PMC4536008.

5. Lin JY, Selim MA, Shea CR, Grichnik JM, Omar MM, Monteiro-Riviere NA, Pinnell SR. UV photoprotection by combination topical antioxidants vitamin C and vitamin E. J Am Acad Dermatol. 2003 Jun;48(6):866-74. doi: 10.1067/mjd.2003.425. PMID: 12789176.

6. Matsumura, Yasuhiro, and Honnavara N. Ananthaswamy. “Toxic effects of ultraviolet radiation on the skin.” Toxicology and applied pharmacology 195.3 (2004): 298-308.

7. Darr D, Combs S, Dunston S, Manning T, Pinnell S. Topical vitamin C protects porcine skin from ultraviolet radiation-induced damage. Br J Dermatol. 1992 Sep;127(3):247-53. doi: 10.1111/j.1365-2133.1992.tb00122.x. PMID: 1390169.

8. Geesin JC, Darr D, Kaufman R, Murad S, Pinnell SR. Ascorbic acid specifically increases type I and type III procollagen messenger RNA levels in human skin fibroblast. J Invest Dermatol. 1988 Apr;90(4):420-4. doi: 10.1111/1523-1747.ep12460849. PMID: 3351329.

9. Kishimoto Y, Saito N, Kurita K, Shimokado K, Maruyama N, Ishigami A. Ascorbic acid enhances the expression of type 1 and type 4 collagen and SVCT2 in cultured human skin fibroblasts. Biochem Biophys Res Commun. 2013 Jan 11;430(2):579-84. doi: 10.1016/j.bbrc.2012.11.110. Epub 2012 Dec 7. PMID: 23228664.

10. Mohammed BM, Fisher BJ, Kraskauskas D, Ward S, Wayne JS, Brophy DF, Fowler AA 3rd, Yager DR, Natarajan R. Vitamin C promotes wound healing through novel pleiotropic mechanisms. Int Wound J. 2016 Aug;13(4):572-84. doi: 10.1111/iwj.12484. Epub 2015 Aug 20. PMID: 26290474; PMCID: PMC7949787.

11. Taylor TV, Rimmer S, Day B, Butcher J, Dymock IW. Ascorbic acid supplementation in the treatment of pressure-sores. Lancet. 1974 Sep 7;2(7880):544-6. doi: 10.1016/s0140-6736(74)91874-1. PMID: 4140267.