Hoa oải hương không chỉ nổi bật với vẻ đẹp và hương thơm quyến rũ mà còn là một phương thuốc tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loài hoa này chủ yếu được trồng ở Bắc Phi, Trung Quốc, Úc và khu vực núi non Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, oải hương thường xuất hiện ở Đà Lạt và Sapa, tuy nhiên sản lượng không nhiều.

Tinh dầu hoa oải hương được biết đến với đặc tính sát trùng và kháng viêm, có khả năng làm lành vết bỏng nhẹ và vết côn trùng cắn. Ngoài ra, nó còn hiệu quả trong việc điều trị lo âu, mất ngủ và trầm cảm. Khi sử dụng dưới dạng trà, hoa oải hương có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn, đầy hơi và đau dạ dày.

Ngoài các vấn đề trên, hoa oải hương còn được sử dụng trong việc chăm sóc tóc. Sử dụng tinh dầu oải hương có thể cải thiện sức khỏe của da đầu, kháng khuẩn, chống viêm, từ đó mà kích thích mọc tóc hiệu quả.

Đặc tính sinh học của tinh dầu oải hương

Chi Lavandula (oải hương) được các nhà khoa học công nhận có khoảng 30 loài, cùng với hàng chục phân loài và hàng trăm giống lai. Trong số đó, Lavandula Angustifolia được coi là loài quan trọng nhất. Tinh dầu của loài này được đánh giá cao nhờ hương thơm quyến rũ và hàm lượng camphor thấp, khiến cho tinh dầu của Lavandula Angustifolia trở nên khá đắt đỏ.

tinh dau hoa oai huong

Về thành phần hóa học, tinh dầu oải hương được đặc trưng bởi hàm lượng cao linalool (24.3%, có thể đạt đến 46.7%) và linalyl acetate (28.9%, có thể đạt đến 44.2%), terpinen-4-ol (2.64%), lavandulyl acetate (5.15%) [01]. Tiếp theo đó là eucalyptol(1,8-cineol chiếm 2.05%), borneol (2.11%), lavandulol (0.8%) và các thành phần khác như camphor (long não), α-terpineol, neryl acetate…

Tinh dầu đã được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ và dược phẩm qua nhiều thế kỷ. Các sản phẩm mỹ phẩm có chứa linalool từ oải hương đều có mùi hoa, tươi mát và ngọt ngào. Dầu hoa oải hương được sử dụng để tạo hương vị cho đồ uống, kem, kẹo, kẹo cao su và đồ nướng trong ngành công nghiệp thực phẩm [02].

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy tinh dầu oải hương có tác dụng hóa giải lo âu, ổn định tâm trạng, an thần, chống viêm, giảm đau, chống co giật và bảo vệ thần kinh [03]. Các loại vi khuẩn như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, nấm men và nấm sợi cũng bị ức chế phát triển khi sử dụng oải hương bởi đặc tính kháng khuẩn cao.

Đặc tính chống viêm của tinh dầu oải hương cũng đã được nghiên cứu trên loài chuột, hoạt tính chống viêm tốt hơn ibuprofen ở cùng một liều lượng. Dầu hoa oải hương cũng đã được sử dụng trong việc điều trị viêm da và bệnh chàm.

Trong liệu pháp mùi hương, do có nhiều linalool và linalyl acetate, tinh dầu oải hương được sử dụng để hít hay xoa bóp để điều trị chứng mất ngủ, cân bằng trạng thái [04]. Các nhà khoa học cũng so sánh việc sử dụng âm nhạc với oải hương khi tâm lý bị mất bình tĩnh, lo lắng và thấy rằng liệu pháp mùi hương sử dụng tinh dầu cho hiệu quả vượt trội. Cơ chế hoạt động của điều này có thể là do hoạt động của tinh dầu oải hương trong việc dẫn truyền thần kinh serotonin thông qua các thụ thể 5-HT [05].

cham soc toc voi tinh dau oai huong

Chăm sóc tóc với tinh dầu oải hương

Với những lợi ích kháng khuẩn, kháng viêm, cân bằng tâm trạng hay làm sạch không khí, tinh dầu oải hương được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, chăm sóc tóc với oải hương giúp bạn thúc đẩy mọc tóc và có những lọn tóc khỏe đẹp.

Tinh dầu oải hương kích thích mọc tóc

Sản phẩm từ oải hương gần đây đã dần được chú ý khi kích thích mọc tóc. Một nghiên cứu 2016 phát hiện ra rằng, khi bôi tinh dầu oải hương lên chuột kiến chúng ra nhiều lông hơn [06]. Lợi ích này có thể hiệu quả hơn nhiều khi dầu có thể tự thẩm thấu qua da. Cũng theo nghiên cứu này, tinh dầu oải hương có thể giúp giải quyết các vấn đề như chứng hói đầu và rụng tóc.

Ngăn ngừa và tiêu diệt chấy rận

Tinh dầu oải hương có tác dụng ngăn ngừa chấy, và tiêu diệt chấy, theo một nghiên cứu vào năm 2011 [07]. Và khi sử dụng kết hợp với dầu tràm trà, hiệu quả tăng lên trông thấy.

Hạn chế viêm da

Hoa oải hương đôi khi được sử dụng như một phương pháp điều trị tại nhà cho chứng viêm da hay bị bỏng. Sử dụng ở dạng tinh dầu rất tốt khi xử lý viêm da trên da đầu.

Cũng vì tính kháng khuẩn cao, nên khi thoa lên da đầu có thể ngăn ngừa các vấn đề về ngứa da đầu, gàu và nhiễm trùng. Da đầu khỏe mạnh giúp các nang tóc có đầy đủ dưỡng chất, mang đến mái tóc mượt mà.

cach duong toc bang lavender

Cách sử dụng tinh dầu oải hương khi chăm sóc tóc

Bạn có thể sử dụng tinh dầu để massage trên da đầu. Lưu ý rằng tinh dầu oải hương phải được pha loãng bằng nước hoặc dầu nền như dầu dừa, dầu jobaba. Ủ tóc tầm 5 – 10 phút, sau đó rửa sạch, hoặc có thể quấn khăn ủ qua đêm.

Thêm tinh dầu vào cách sản phẩm chăm sóc tóc khác như dầu gội, dầu xả cũng là một ý kiến hay. Cho tầm 2 – 3 giọt vào lượng dầu gội, xoa đều và gội đầu như bình thường.

Tài liệu tham khảo

1. Pokajewicz K, Białoń M, Svydenko L, Fedin R, Hudz N. Chemical Composition of the Essential Oil of the New Cultivars of Lavandula angustifolia Mill. Bred in Ukraine. Molecules. 2021 Sep 18;26(18):5681. doi: 10.3390/molecules26185681. PMID: 34577152; PMCID: PMC8465323.

2. Kajjari S, Joshi RS, Hugar SM, Gokhale N, Meharwade P, Uppin C. The Effects of Lavender Essential Oil and its Clinical Implications in Dentistry: A Review. Int J Clin Pediatr Dent. 2022 May-Jun;15(3):385-388. doi: 10.5005/jp-journals-10005-2378. PMID: 35991803; PMCID: PMC9357533.

3. Koulivand PH, Khaleghi Ghadiri M, Gorji A. Lavender and the nervous system. Evid Based Complement Alternat Med. 2013;2013:681304. doi: 10.1155/2013/681304. Epub 2013 Mar 14. PMID: 23573142; PMCID: PMC3612440.

4. Ogata K, Ataka K, Suzuki H, Yagi T, Okawa A, Fukumoto T, Zhang B, Nakata M, Yada T, Asakawa A. Lavender Oil Reduces Depressive Mood in Healthy Individuals and Enhances the Activity of Single Oxytocin Neurons of the Hypothalamus Isolated from Mice: A Preliminary Study. Evid Based Complement Alternat Med. 2020 Jul 14;2020:5418586. doi: 10.1155/2020/5418586. PMID: 32733584; PMCID: PMC7376415.

5. Chioca LR, Ferro MM, Baretta IP, Oliveira SM, Silva CR, Ferreira J, Losso EM, Andreatini R.not GABAA/benzodiazepine neurotransmission. J Ethnopharmacol. 2013 May 20;147(2):412-8. doi: 10.1016/j.jep.2013.03.028. Epub 2013 Mar 22. PMID: 23524167.

6. Lee BH, Lee JS, Kim YC. Hair Growth-Promoting Effects of Lavender Oil in C57BL/6 Mice. Toxicol Res. 2016 Apr;32(2):103-8. doi: 10.5487/TR.2016.32.2.103. Epub 2016 Apr 30. PMID: 27123160; PMCID: PMC4843973.

7. Barker, S.C., Altman, P.M. An ex vivo, assessor blind, randomised, parallel group, comparative efficacy trial of the ovicidal activity of three pediculicides after a single application – melaleuca oil and lavender oil, eucalyptus oil and lemon tea tree oil, and a “suffocation” pediculicide. BMC Dermatol 11, 14 (2011). https://doi.org/10.1186/1471-5945-11-14.