Hương thảo là một loại thảo mộc rất phổ biến trong ẩm thực và chữa bệnh. Loại cây lâu năm này có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Nơi đây đã sử dụng hương thảo làm thuốc và thực phẩm qua nhiều thế kỷ.
Với nhiều tác dụng trong y tế như chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường trí nhớ, tinh dầu hương thảo khá phổ biến trên thị trường và bạn dễ dàng tìm mua. Trong những năm gần đây, đã có những nghiên cứu cho thấy sử dụng tinh dầu hương thảo có tác dụng tích cực trong việc chăm sóc tóc. Thậm chí nó còn có thể ngăn ngừa rụng tóc. Minh chứng là việc sử dụng hương thảo trong nước xả tóc của các nền văn hóa Địa Trung Hải để dưỡng tóc trong hàng trăm năm qua.
Tinh dầu hương thảo và thành phần chính
Cây hương thảo, tên khoa học là “Rosmarinus officinalis”, có tầm quan trọng đáng kể về giá trị dược liệu và hương liệu. Lá hương thảo có hình kim, mùi thơm dễ chịu. Loại thảo mộc này được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền, mỹ phẩm và tạo hương vị cho thực phẩm.
Tinh dầu chiết xuất từ hương thảo có các đặc tính kháng khuẩn, chống đột biến, gây độc tế bào, chống oxy hóa, chống viêm và ngăn ngừa hóa học mạnh mẽ. Các thành phần chính được xác định trong tinh dầu Hương thảo (Rosmarinus officinalis essential oil) là 1,8-cineol (38.5%), long não – camphor (17.1%), α-pinene (12.3%), limonene (6.23%), camphene (6.00%) và linalool (5.70%) [1].
Thông thường, tinh dầu hương thảo là một chất lỏng không màu hoặc có màu vàng nhạt, thơm nồng và cay. Trong tinh dầu có đến 82 loại phân tử, có thể phân chia chúng làm 3 loại: hydrocacbon monoterpene, monoterpen oxy hóa, và sesquiterpen [2].
Hydrocacbon monoterpene có thể chiếm tới 65.6% hàm lượng tinh dầu, với các phân tử phong phú là α-pinene và camphene, limonene, β-pinene, terpinolene, β-myrcene. Các hợp chất được phân loại là monoterpen oxy hóa có đại diện là 1,8-cineole, camphor, linalool, borneol và verbenone. Cuối cùng, sesquiterpen có β-caryophyllene là phân tử có số lượng cao nhất.
Thành phần hóa học của tinh dầu hương thảo ảnh hưởng đến các hoạt động sinh học. Các hoạt tính sinh học do 1,8-cineole bao gồm: tác dụng chống trầm cảm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống dị ứng, giãn cơ trơn và hoạt tính chống viêm; α-pinene được cho là có hoạt tính chống oxy hóa, chống nấm, chống vi khuẩn và chống viêm. Cuối cùng, được cho là do hoạt động chống đột biến, chống oxy hóa, chống dị ứng và chống viêm của long não – camphor.
Tinh dầu hương thảo và tóc
Tóc dụng của tinh dầu hương thảo đối với tóc
Sử dụng tinh dầu hương thảo để kích thích việc mọc tóc có thể xuất phát từ những lợi ích sức khỏe cơ bản mà chúng mang lại:
Tinh dầu hương thảo giúp tăng cường tuần hoàn máu. Do đó, nó có thể ngăn ngừa việc các nang tóc bị thiếu nguồn cung cấp máu, bị chết nang và dẫn đến rụng tóc. Ngoài việc kích thích mọc tóc, tinh dầu còn được sử dụng để ngăn ngừa tóc bạc sớm và trị gàu, có ích cho da đầu khô hoặc ngứa.
Một số nghiên cứu về tinh dầu hương thảo
Trong một nghiên cứu về axit carnosic, một thành phần hoạt chất có trong tinh dầu, đã chữa lành tổn thương mô và dây thần kinh. Khả năng chữa lành các đầu dây thần kinh cũng có thể làm trẻ hóa các dây thần kinh ở da đầu, do đó có thể phục hồi sự phát triển của tóc.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy việc ngăn ngừa rụng tóc của hương thảo. Một thử nghiệm vào năm 2015 [5] trên người bị rụng tóc kiểu nam, chứng minh rằng tinh dầu hương thảo hiệu quả như minoxidil. Thậm chí, nó còn loại bỏ tác dụng phụ gây ngứa da đầu thành công hơn minoxidil.
Một nghiên cứu khác từ chiết xuất lá (khác với tinh dầu) thấy rằng hương thảo kích thích việc mọc tóc [6]. Hai đánh giá lâm sàng riêng biệt vào năm 2010 [7] và 2011 [8] cũng thừa nhận tiềm năng kích mọc tóc của hương thảo.
Sử dụng tinh dầu hương thảo chăm sóc tóc như thế nào?
Dưới đây là một vài cách để sử dụng tinh dầu hương thảo như một chất dưỡng tóc.
Sử dụng chung với dầu gội
Bạn cũng có thể áp dụng việc này chung với dầu xả. Nhỏ khoảng dưới 5 giọt và trộn chung với dầu gội, sau đó gội đầu như bình thường. Tuy nhiên, tinh dầu hương thảo khá là mắc tiền, nên bạn hãy cân nhắc nhé.
Massage trực tiếp vào da đầu
Nếu không dùng phương án trên, bạn có thể sử dụng tinh dầu để massage lên trên da đầu. Nhưng phải lưu ý, đối với các loại tinh dầu thảo mộc, cần được pha loãng trước khi sử dụng. Vì tinh dầu hương thảo khá cay, nên bạn cần tránh để tinh dầu chảy vào mắt.
Tóm lại, sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc có tinh dầu hương thảo có thể giúp bạn kích thích mọc tóc thành công. Cả khoa học và kinh nghiệm đến từ các nền văn hóa trên thế giới đều cho thấy tinh dầu có tác dụng chống rụng tóc, đặc biệt liên quan đến chứng hói đầu ở nam và nữ. Tinh dầu hương thảo là một phương thuốc đơn giản tại nhà cho việc chăm sóc và dưỡng tóc. Thậm chí, nó còn tốt hơn các sản phẩm hóa chất dành cho tóc hiện có trên thị trường.
Tài liệu tham khảo
1. Hussain AI, Anwar F, Chatha SA, Jabbar A, Mahboob S, Nigam PS. Rosmarinus officinalis essential oil: antiproliferative, antioxidant and antibacterial activities. Braz J Microbiol. 2010 Oct;41(4):1070-8. doi: 10.1590/S1517-838220100004000027. Epub 2010 Dec 1. PMID: 24031588; PMCID: PMC3769777.
2. Raphaelle Sousa Borges, Brenda Lorena Sánchez Ortiz, Arlindo César Matias Pereira, Hady Keita, José Carlos Tavares Carvalho, Rosmarinus officinalis essential oil: A review of its phytochemistry, anti-inflammatory activity, and mechanisms of action involved, Journal of Ethnopharmacology, Volume 229, 2019, Pages 29-45, ISSN 0378-8741, https://doi.org/10.1016/j.jep.2018.09.038.
3. Kosaka K, Yokoi T. Carnosic acid, a component of rosemary (Rosmarinus officinalis L.), promotes synthesis of nerve growth factor in T98G human glioblastoma cells. Biol Pharm Bull. 2003 Nov;26(11):1620-2. doi: 10.1248/bpb.26.1620. PMID: 14600414.
4. P. Sagorchev, J. Lukanov, A.M. Beer, Investigations into the specific effects of rosemary oil at the receptor level, Phytomedicine, Volume 17, Issues 8–9, 2010, Pages 693-697, ISSN 0944-7113, https://doi.org/10.1016/j.phymed.2009.09.012.
5. Panahi Y, Taghizadeh M, Marzony ET, Sahebkar A. Rosemary oil vs minoxidil 2% for the treatment of androgenetic alopecia: a randomized comparative trial. Skinmed. 2015 Jan-Feb;13(1):15-21. PMID: 25842469.
6. Murata K, Noguchi K, Kondo M, Onishi M, Watanabe N, Okamura K, Matsuda H. Promotion of hair growth by Rosmarinus officinalis leaf extract. Phytother Res. 2013 Feb;27(2):212-7. doi: 10.1002/ptr.4712. Epub 2012 Apr 20. PMID: 22517595.
7. Harries MJ, Sun J, Paus R, King LE Jr. Management of alopecia areata. BMJ. 2010 Jul 23;341:c3671. doi: 10.1136/bmj.c3671. PMID: 20656774; PMCID: PMC3230136.
8. Mehdi Jalali-Heravi, Rudabeh Sadat Moazeni, Hassan Sereshti, Analysis of Iranian rosemary essential oil: Application of gas chromatography–mass spectrometry combined with chemometrics, Journal of Chromatography A, Volume 1218, Issue 18, 2011, Pages 2569-2576, ISSN 0021-9673, https://doi.org/10.1016/j.chroma.2011.02.048.