Tinh dầu bưởi từ lâu đã được sử dụng trong mọi thứ. Từ các sản phẩm nước hoa, nến thơm cao cấp cho đến các sản phẩm tẩy rửa bởi mùi hương nhẹ nhàng, sảng khoái của nó [1]. Đối với liệu pháp mùi hương, tinh dầu bưởi còn được sử dụng để cân bằng tâm trạng và giảm sự căng thẳng [2][3].
Không dừng lại ở đó, tinh dầu bưởi còn có tác dụng rất tốt trong việc chăm sóc tóc. Nó đóng vai trò như một thành phần chống oxy hóa và kháng khuẩn [4], giúp loại bỏ bã nhờn dư thừa, thúc đẩy da đầu khỏe mạnh một cách tổng thể và giảm gàu. Da đầu khỏe mạnh sẽ mang đến môi trường thích hợp cho sự phát triển của tóc.
Tinh dầu bưởi và thành phần hóa học
Bưởi là một trong những loại trái cây có tầm quan trọng trong y học và về mặt dinh dưỡng. Phần thịt múi và nước ép từ bưởi được sản xuất với quy lớn trên toàn thế giới, mang đến một lượng phụ phẩm dồi dào, chẳng hạn như vỏ bưởi, được tận dụng để chiết xuất tinh dầu bưởi. Tinh dầu bưởi đã được ứng dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng, chất tẩy rửa, công nghiệp thực phẩm do đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy, thành phần chính trong tinh dầu bưởi là Monoterpenes, chiếm 96.93% trong tinh dầu. Limonene là thành phần chiếm ưu thế của Monoterpenes, chiếm 93.33%. Tiếp theo sau có thể kể đến Beta-Myrcene chiếm 1.88%, Alpha-Pinene chiếm 0.86% và Sabinene chiếm 0.60%. Monoterpenes oxi hóa chiếm đến 1.62% bao gồm carvone, cis-limonene oxide, trans-limonene oxide. Ngoài các thành phần trên, còn có Sesquiterpene, Caryophyllene oxide… [5].
Với hàm lượng cao Limonene, tinh dầu bưởi có tính kháng khuẩn cao [6]. Một nghiên cứu cho thấy tinh dầu bưởi có thể chống lại các vi khuẩn gây hại như Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, và Escherichia coli [5], hay một số chủng nấm chẳng hạn như Candida albicans.
Khả năng chống oxy hóa của tinh dầu bưởi dựa trên các hợp chất polyphenol. Flavonoid, một chất chuyển hóa thứ cấp polyphenol, đóng góp đáng kể vào thành phần chống oxy hóa trong tinh dầu. Hàm lượng phenolic, flavon, flavonol, hàm lượng hesperidin và naringin… và các hoạt tính chống oxy hóa trong tinh dầu cũng cao hơn trong nước hay các thành phần khác của quả bưởi [7].
Chăm sóc tóc với tinh dầu vỏ bưởi
Với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, tinh dầu bưởi được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc với công dụng làm sạch da đầu, giảm gàu, cân bằng hệ vi sinh trên da đầu.
Giúp tóc bóng mượt
Chỉ cần nhỏ một vài giọt nước dưỡng có tinh dầu bưởi lên da đầu và xoa bóp đều, mái tóc của bạn sẽ có độ bóng khỏe. Các loại tinh dầu thảo mộc có thể gây nóng rát, kích ứng da nên tinh dầu cần phải được pha loãng trước khi nhỏ lên da đầu.
Phục hồi sức khỏe cho mái tóc
Tinh dầu bưởi không có tác dụng phục hồi tóc hư tổn. Tuy nhiên, nó sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trên da đầu, loại bỏ lớp bã nhờn dư thừa, thúc đẩy da đầu khỏe mạnh về mặt tổng thể, tạo ra môi trường lý tưởng giúp kích thích tóc phát triển.
Giảm gàu da đầu
Nhờ đặc tính kháng khuẩn, tinh dầu bưởi có thể làm sạch sâu da đầu, ức chế sự phát triển quá mức của nấm Malassezia. Từ đó, gàu trên da đầu sẽ được giảm một cách rõ rệt. Ngoài ra, tinh dầu bưởi cũng giữ ẩm cho da đầu, ngăn ngừa khả năng hình thành gàu. Đặc tính chống viêm làm dịu kích ứng da đầu, đảm bảo da đầu luôn mịn màng và khỏe mạnh.
Khử mùi hôi
Mồ hôi, bụi bẩn đọng lại trên tóc và da đầu của bạn, tiết ra mùi hôi khó chịu. Để tránh điều này, bạn có thể sử dụng nước dưỡng tinh dầu bưởi cho tóc. Đặc biệt được khuyên dùng sau khi bạn làm sạch tóc bằng dầu gội và dầu xả.
Làm sạch mái tóc
Sau khi sử dụng các hóa chất như keo xịt tóc, gel, hoặc các sản phẩm làm đẹp cho tóc, các cặn sản phẩm có thể bị tích tụ trong nang tóc làm cho tóc xơ xác hơn. Sử dụng tinh dầu bưởi giúp loại bỏ phần cặn này, tóc sẽ hạn chế được sự hư tổn.
Trên đây là một số lợi ích khi dưỡng tóc bằng tinh dầu bưởi. Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu bưởi để trị rụng tóc và các vấn đề khác về tóc hay da đầu. Hãy chỉ nên sử dụng tinh dầu bưởi nguyên chất và tự nhiên để đạt được hiệu quả cao nhất mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Và nhớ rằng, bạn nên pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng để tránh bị bỏng rát, hay kích ứng da đầu.
Tài liệu tham khảo
1. Ahmad, I., Ayu, N. A., Sushanti, G., & Muhtar, I. (2022). Aromatherapy Candle Formulation Using Grapefruit Essential Oil with Patchouli Essential Oil Fixative. Journal of Agriculture, 1(03), 159-166. https://doi.org/10.47709/joa.v1i03.2471.
2. Lv XN, Liu ZJ, Zhang HJ, Tzeng CM. Aromatherapy and the central nerve system (CNS): therapeutic mechanism and its associated genes. Curr Drug Targets. 2013 Jul;14(8):872-9. doi: 10.2174/1389450111314080007. PMID: 23531112.
3. Costa CA, Cury TC, Cassettari BO, Takahira RK, Flório JC, Costa M. Citrus aurantium L. essential oil exhibits anxiolytic-like activity mediated by 5-HT(1A)-receptors and reduces cholesterol after repeated oral treatment. BMC Complement Altern Med. 2013 Feb 23;13:42. doi: 10.1186/1472-6882-13-42. PMID: 23432968; PMCID: PMC3598547.
4. Jorge Luis Amorim, Daniel Luiz Reis Simas, Mariana Martins Gomes Pinheiro, Daniela Sales Alviano Moreno, Celuta Sales Alviano, Antonio Jorge Ribeiro da Silva, Patricia Dias Fernades. Anti-Inflammatory Properties and Chemical Characterization of the Essential Oils of Four Citrus Species. PLoS One. 2016; 11(4): e0153643.
5. Deng W, Liu K, Cao S, Sun J, Zhong B, Chun J. Chemical Composition, Antimicrobial, Antioxidant, and Antiproliferative Properties of Grapefruit Essential Oil Prepared by Molecular Distillation. Molecules. 2020 Jan 5;25(1):217. doi: 10.3390/molecules25010217. PMID: 31948058; PMCID: PMC6982870.
6. Kim YW, Kim MJ, Chung BY, Bang du Y, Lim SK, Choi SM, Lim DS, Cho MC, Yoon K, Kim HS, Kim KB, Kim YS, Kwack SJ, Lee BM. Safety evaluation and risk assessment of d-Limonene. J Toxicol Environ Health B Crit Rev. 2013;16(1):17-38. doi: 10.1080/10937404.2013.769418. PMID: 23573938.
7. Ibrahim FM, Abdelsalam E, Mohammed RS, Ashour WES, Vilas-Boas AA, Pintado M, El Habbasha ES. Polyphenol-Rich Extracts and Essential Oil from Egyptian Grapefruit Peel as Potential Antioxidant, Antimicrobial, and Anti-Inflammatory Food Additives. Applied Sciences. 2024; 14(7):2776. https://doi.org/10.3390/app14072776