Trong hành trình dưỡng da trắng sáng, những vết thâm sạm da là một yếu tố gây rắc rối khá lớn. Đây có thể là tác hại do ánh nắng mặt trời, bị nám do nội tiết tố [1] hay các vết thâm còn lại của những nốt mụn trong quá khứ.

Để làm mờ dần các vết đốm trên làn da, hydroquinone là sản phẩm được nhiều bác sĩ da liễu khuyên dùng. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế đối với thành phần có hiệu lực cao này như dễ gây kích ứng da, phụ nữ mang thai không thể sử dụng [2]. May mắn thay, chiết xuất từ rễ cây cam thảo lại hoạt động theo cách rất giống với hydroquinone [3], và vì thế mà cam thảo được sử dụng phổ thông trong các sản phẩm làm sáng da.

Lợi ích của rễ cam thảo đối với làn da

Có thể nói, rễ cam thảo là một trong những loại cây thảo dược sử dụng lâu đời nhất trên thế giới. Các nước Tây Á, Nam Âu hay Trung Quốc [4] sử dụng cam thảo từ lâu để điều trị nhiều loại bệnh và tạo hương vị cho kẹo, đồ uống. Ở Ai Cập thời cổ đại, các vị Pha-ra-ông dùng rễ cam thảo làm đồ uống có vị ngọt mát. Người Hy Lạp sử dụng cam thảo để làm dịu cơn đau dạ dày, giảm viêm và điều trị các vấn đề hô hấp.

Mặc dù chứa hàng trăm hợp chất thực vật, nhưng hợp chất hoạt động chính của rễ cây cam thảo là glycyrrhizin [5]. Chất này có đảm nhiệm việc tạo ra vị ngọt của rễ cũng như các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn.

  • Giảm thiểu việc sản xuất tyrosinase: sản xuất melanin là một quá trình phức tạp, nhưng cốt lõi của vấn đề là một loại enzyme được gọi là tyrosinase. Chiết xuất từ rễ cam thảo có glabrene và isoliquiritigenin giúp ức chế sản xuất tyrosinase, từ đó ức chế việc tạo thành các đốm thâm đen [3][6].
  • Loại bỏ melanin dư thừa: Rễ cam thảo có chứa liquiritin [7], một hợp chất hoạt động giúp phân tán và loại bỏ melanin hiện có trong da, từ đó làm mờ các đốm đen hiện có trên da.
  • Chống viêm trên da: Mặc dù bản thân flavonoid có khả năng chống viêm, nhưng vẫn có một phân tử khác đó là licochalcone A có tác dụng chống viêm da hiệu quả.
  • Kiểm soát việc sản xuất dầu trên da: Mặc dù đây là lợi ích còn nhiều hoài nghi, nhưng cũng có một số bằng chứng cho thấy licochalcone A có thể giúp kiểm soát điều tiết sản xuất dầu trên da [8].
cam thao va loi ich voi lan da

Các lợi ích khác của cam thảo

Trong y học hiện đại, rễ cam thảo được sử dụng để điều trị các bệnh như trào ngược dạ dày, nóng trong người, ho và nhiễm trùng do vi khuẩn [9]. Trà cam thảo được cho là có tác dụng làm dịu cơn đau họng, trong khi del bôi ngoài da có chiết xuất cam thảo điều trị các tình trạng da như mụn trứng cá.

Do chứa nhiều hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, chiết xuất rễ cây cam thảo được nghiên cứu về tác dụng bảo vệ chống lại một số loại ung thư như ung thư da, ung thư vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt [10].

Rễ cam thảo có thể giúp chống lại vi khuẩn dẫn đến sâu răng, làm giảm đáng kể số lượng Streptococcus mutans, nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng [11]. Ngoài ra, các bệnh tiểu đường, triệu chứng mãn kinh, viêm gan C cũng đã được nghiên cứu chứng minh lợi ích của rễ cam thảo.

cam thao trong nhieu bai thuoc dong y

Tác dụng phụ của rễ cam thảo

Sở hữu nhiều lợi ích là thế, nhưng không có nghĩa là sử dụng rễ cam thảo nhiều sẽ không có hại.

Nếu lạm dụng các sản phẩm từ rễ cam thảo với liều lượng cao và thời gian lâu dài sẽ dẫn đến tích tụ glycyrrhizin, dẫn đến sự gia tăng bất thường hormone gây căng thẳng cortisol [12]. Hơn nữa, các triệu chứng như nồng độ kali thấp, huyết áp cao, yếu cơ hay nhịp tim bất thường cũng cho là có liên quan đến việc sử dụng sản phẩm từ rễ cây cam thảo với liều lượng lớn và lâu dài.

Dị ứng da với cam thảo là trường hợp hiếm gặp, khi mà chiết xuất cam thảo được pha trộn với các thành phần khác gây ra phản ứng. Trong hầu hết các trường hợp, các sản phẩm có chứa rễ cam thảo đều an toàn cho da khi sử dụng từ một đến hai lần một ngày.

Nếu sử dụng ngoài da, phụ nữ mang thai và cho con bú có thể sử dụng cam thảo để làm đẹp ở liều lượng ít. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều cam thảo theo đường tiêu hóa, đặc biệt là glycyrrhizin khi mang thai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của bé [13]. Vì vậy, bầu nên hạn chế bổ sung cam thảo và hạn chế dùng cam thảo trong thực phẩm, đồ uống.

Rễ cây cam thảo hay các sản phẩm chiết xuất từ rễ cam thảo có thể được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng da khác nhau. Bạn cũng có thể sử dụng chúng để khắc phục những tổn hại do tia UV của mặt trời gây ra. Nếu bạn muốn làn da của mình trắng sáng hơn một chút, hay một thành phần dịu nhẹ cho làn da bị viêm, thì rễ cam thảo với nhiều lợi ích là lựa chọn dành cho bạn.

Tài liệu tham khảo

1. Basit H, Godse KV, Al Aboud AM. Melasma. [Updated 2023 Aug 8]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459271/

2. Bozzo P, Chua-Gocheco A, Einarson A. Safety of skin care products during pregnancy. Can Fam Physician. 2011 Jun;57(6):665-7. PMID: 21673209; PMCID: PMC3114665.

3. Sarkar R, Arora P, Garg KV. Cosmeceuticals for Hyperpigmentation: What is Available? J Cutan Aesthet Surg. 2013 Jan;6(1):4-11. doi: 10.4103/0974-2077.110089. PMID: 23723597; PMCID: PMC3663177.

4. Wang L, Yang R, Yuan B, Liu Y, Liu C. The antiviral and antimicrobial activities of licorice, a widely-used Chinese herb. Acta Pharm Sin B. 2015 Jul;5(4):310-5. doi: 10.1016/j.apsb.2015.05.005. Epub 2015 Jun 17. PMID: 26579460; PMCID: PMC4629407.

5. Omar HR, Komarova I, El-Ghonemi M, Fathy A, Rashad R, Abdelmalak HD, Yerramadha MR, Ali Y, Helal E, Camporesi EM. Licorice abuse: time to send a warning message. Ther Adv Endocrinol Metab. 2012 Aug;3(4):125-38. doi: 10.1177/2042018812454322. PMID: 23185686; PMCID: PMC3498851.

6. Nerya O, Vaya J, Musa R, Izrael S, Ben-Arie R, Tamir S. Glabrene and isoliquiritigenin as tyrosinase inhibitors from licorice roots. J Agric Food Chem. 2003 Feb 26;51(5):1201-7. doi: 10.1021/jf020935u. PMID: 12590456.

7. Chen Sun, Yuchun Xie, Qinglai Tian, Huizhou Liu, Separation of glycyrrhizic acid and liquiritin from licorice root by aqueous nonionic surfactant mediated extraction, Colloids and Surfaces A: Physicochemical and Engineering Aspects, Volume 305, Issues 1–3, 2007, Pages 42-47, ISSN 0927-7757, https://doi.org/10.1016/j.colsurfa.2007.04.056.

8. Wongtada, Chanidapa & Pewlong, Putthamas & Asawanonda, Pravit & Noppakun, Nopadon & Pongpamorn, Pornkanok & Paemanee, Atchara & Sirikantaramas, Supaart & Kumtornrut, Chanat. (2022). Influence of moisturizer containing licochalcone A, 1,2‐decanediol, L‐carnitine, and salicylic acid on facial skin lipidome among seborrhea participants. Journal of Cosmetic Dermatology. 21. 10.1111/jocd.15381.

9. Deutch MR, Grimm D, Wehland M, Infanger M, Krüger M. Bioactive Candy: Effects of Licorice on the Cardiovascular System. Foods. 2019 Oct 14;8(10):495. doi: 10.3390/foods8100495. PMID: 31615045; PMCID: PMC6836258.

10. Bode AM, Dong Z. Chemopreventive Effects of Licorice and Its Components. Curr Pharmacol Rep. 2015;1(1):60-71. doi: 10.1007/s40495-014-0015-5. Epub 2015 Jan 28. PMID: 32226725; PMCID: PMC7100402.

11. Peters MC, Tallman JA, Braun TM, Jacobson JJ. Clinical reduction of S. mutans in pre-school children using a novel liquorice root extract lollipop: a pilot study. Eur Arch Paediatr Dent. 2010 Dec;11(6):274-8. doi: 10.1007/BF03262762. PMID: 21108917.

12. Allcock E, Cowdery J. Hypertension induced by liquorice tea. BMJ Case Rep. 2015 Jun 15;2015:bcr2015209926. doi: 10.1136/bcr-2015-209926. PMID: 26077805; PMCID: PMC4480140.

13. Katri Räikkönen, Anu-Katriina Pesonen, Kati Heinonen, Jari Lahti, Niina Komsi, Johan G. Eriksson, Jonathan R. Seckl, Anna-Liisa Järvenpää, Timo E. Strandberg, Maternal Licorice Consumption and Detrimental Cognitive and Psychiatric Outcomes in Children, American Journal of Epidemiology, Volume 170, Issue 9, 1 November 2009, Pages 1137–1146, https://doi.org/10.1093/aje/kwp272