Trong các nền y học dân gian trên thế giới, quả bồ hòn đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Với nhiều hợp chất mới được tìm thấy trong chiết xuất bồ hòn, hứa hẹn đây là nguyên liệu tiềm năng trong dược phẩm và mỹ phẩm hiện đại.

Cùng tìm hiểu về Bồ bòn

Bồ hòn là một loại cây được phân bố phổ biến khắp vùng nhiệt đới như Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Tên chi của bồ hòn là Sapindus có nghĩa từ tiếng Latin, với Sapo = soap; Indus = indicus (nguồn gốc từ Ấn Độ); tức là xà phòng từ Ấn Độ [1]. Ở Việt Nam, cây bồ hòn phân bố phần lớn từ Bắc Trung Bộ trở ra. Cây thường được trồng ở đình chùa để lấy bóng mát và lấy quả.

Lợi ích từ quả bồ hòn đã được ứng dụng trong y học dân gian của các nước trên thế giới. Các hợp chất chính được tìm thấy trong bồ hòn là saponin, acetylated triterpenic saponin, acyclic sesquiterpene oligoglycosides, triterpenoid, axit béo và flavonoid [2][3]. Quả bồ hòn có hoạt tính kháng khuẩn, ngừa thai (có tác dụng diệt tinh trùng), chống loét và bảo vệ gan, diệt động vật nhuyễn thể, diệt nấm, chống viêm hoặc làm xà phòng để giặt quần áo, chất tẩy rửa tự nhiên, tạo bọt cho dầu gội đầu…

Các loài bồ hòn đã được nghiên cứu làm nguồn cung cấp Saponin cho mỹ phẩm vì đặc tính làm se cũng như nhiều công dụng dược lý khác. Các hợp chất có nguồn gốc từ một số loài, được phân loại là triterpenic có tác dụng chống loét và chống ung thư [1].

trai bo hon tai viet nam
Cây bồ hòn - Sapindus saponaria - Ảnh: Theo: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" - Báo Tuổi trẻ Online.

Các dược tính của quả bồ hòn

Bồ hòn từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian. Và hiện giờ, các nghiên cứu khoa học đã và đang dần chứng minh tính hiệu quả để có thể áp dụng thực tiễn vào ngành dược phẩm.

Chống viêm và giảm phù nề

Saponin thô được phân lập từ quả bồ hòn (Sapindus mukorossi GAERTN) đã được nghiên cứu trên chuột về hoạt động chống viêm, giảm phù nề [4]. Các nhà khoa học nhận thấy rằng saponin thô giúp ức chế đáng kể đối với sự hình thành u hạt và dịch tiết ở chuột; ức chế đáng kể việc phù chân sau liên quan đến viêm khớp ở chuột. Không chỉ thế, saponin từ bồ hòn còn giúp giảm đau quằn quại do acetic acid gây ra cho chuột.

Tác dụng ngừa thai – diệt tinh trùng

Đã có nhiều nghiên cứu về tính diệt tinh trùng từ chiết xuất của quả bồ hòn. Một hợp chất có tên là Praneem polyherbal từ vỏ quả cây bồ hòn, lá neem Ấn Độ và dầu bạc hà không chỉ có đặc tính chống vi khuẩn, mà còn diệt tinh trùng cực mạnh. Thí nghiệm hợp chất này trên thỏ và thỏ cái không thể mang thai [5]. Ngoài ra, các nghiên cứu vào năm 2003 [6][7] cũng cho thấy saponin phân lập từ vỏ quả bồ hòn có lợi ích như một chất diệt tinh trùng.

Tác dụng kháng khuẩn

Chiết xuất từ vỏ quả bồ hòn ức chế sự phát triển của Helicobacter pylori thông qua các cuộc thử nghiệm. Các nhà khoa học cho rằng chiết xuất từ quả bồ hòn có hoạt tính kháng khuẩn nhất định [8].

Bảo vệ gan

Trong một thí nghiệm trên chuột bị tổn thương gan, các nhà khoa học đã sử dụng các chất chiết xuất từ quả bồ hòn và thân rễ của một loại cây đại hoàng. Họ quan sát thấy hợp chất này có khả năng bảo vệ gan trong các thí nghiệm in vivo và in vitro [9].

Chống ung thư

Từ quả bồ hòn (Sapindus mukorossi), các nhà khoa học đã tìm ra được ba loại phenylpropanoid glycosides và loại saponin mới. Họ cũng đã có các báo cáo về các hoạt chất này hoạt động gây độc tế bào trong tế bào khối u ở người [10].

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy các hoạt chất từ các bộ phận cây bồ hòn còn các tác dụng chống đau nửa đầu, đặc tính an thần, ức chế tổn thương dạ dày, diệt động vật nhuyễn thể. Tuy nhiên vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và còn cần nhiều bằng chứng thuyết phục hơn. Trong các nền y học dân gian, bồ hòn cũng được sử dụng để trị vết loét bên ngoài (ở Brazil), làm thuốc trị ngứa (ở Thái Lan), làm thuốc chữa bệnh trong nền y học Trung Quốc, trị các bệnh liên quan tiêu hóa (ở Ấn Độ)…

cham soc toc bang qua bo hon
Chăm sóc tóc với quả bồ hòn - Nguồn ảnh: Soapnut Republic.

Chăm sóc tóc với quả bồ hòn

Sở hữu nhiều lợi ích kể trên, quả bồ hòn được ứng dụng vào các sản phẩm không chỉ trong dược phẩm mà còn trong lĩnh vực chăm sóc tóc. Dầu gội có chứa các thành phần thực vật đang được quan tâm bởi sự thân thiện với da và môi trường, ít có khả năng phá vỡ sự cân bằng độ pH và dầu tự nhiên của tóc.

Saponin trong quả bồ hòn đóng vai trò như chất hoạt động bề mặt, chất tạo bọt và kháng khuẩn trong dầu gội. Ngoài ra, nó còn có tác dụng dưỡng tóc và ngăn ngừa tóc gãy rụng [11]. Khi sử dụng, chiết xuất bồ hòn có thể làm sạch và loại bỏ bã nhờn và dầu trên tóc hiệu quả tương tự như những chất hoạt động bề mặt tổng hợp (như SLS/SLES chẳng hạn).

Dầu gội có bồ hòn cũng sẽ hoạt động nhẹ nhàng hơn trên tóc và da đầu, ít gây kích ứng và khô tóc nên khá phù hợp với người có da đầu nhạy cảm [12]. Hơn nữa, chiết xuất bồ hòn ít có khả năng gây khô và xoăn tóc, đồng thời duy trì sự cân bằng độ ẩm tự nhiên của tóc [13].

Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy hoạt động chống gàu của chiết xuất hạt bồ hòn [14]. Tuy hoạt tính kháng nấm còn thấp hơn so với đối chứng tiêu chuẩn nhưng cũng chỉ ra rằng saponin từ quả bồ hòn là chất kháng khuẩn tự nhiên đầy hứa hẹn giúp giảm nấm men trên da đầu.

Để làm nước gội đầu có bồ hòn cũng khá dễ dàng. Bạn cần chuẩn bị một ít bồ kết khô và bồ hòn khô, thêm cỏ mần trầu, sả, hương nhu, vỏ bưởi, vỏ chanh.

Đầu tiên, hãy nướng bồ kết đến khi chúng có mùi thơm, cho bồ kết và bồ hòn đun với khoảng 3l nước. Nồi nước sôi, bạn hãy cho cỏ mần trầu vào đun tiếp. Bạn cũng có thể tắt bếp và để qua đêm cho các dưỡng chất từ bồ kết và bồ hòn được chiết hết ra.

Khi nước sôi trở lại, bạn có thể thêm các nguyên liệu còn lại và tiếp tục đun. Hãy đun nhỏ lửa để chống trào nước, nước sôi hãy tắt bếp và đậy kín để giữ lại tinh dầu. Đợi nước nguội là bạn có thể sử dụng.

Và có thể còn nhiều cách nấu dầu gội từ bồ hòn tùy vào từng vùng miền, bạn có thể tham khảo thêm nhé.

Tài liệu tham khảo

1. Barroso, G.M., Sistemática de angiospermas do Brasil, v. 2, 1984, Universidade Federal De Vicosa, pp. 252- 5, 307.

2. Vn, Meena & Devi, V N & Rajakohila, M & Arul, Logarathinam & Syndia, Mary & Prasad, P & V N, Ariharan. (2012). Multifacetious Uses of Soapnut Tree – A Mini Review. Research Journal of Pharmaceutical, Biological and Chemical Sciences. 3. 420.

3. Sharma, A. & Sati, S.C. & Sati, O.P. & Maneesha, D. & Kothiyal, Sudhir. (2011). Chemical constituents and Bio Activities of Genus Sapindus. IJRAP. 2. 403-409.

4. Takagi K, Park EH, Kato H. Anti-inflammatory activities of hederagenin and crude saponin isolated from Sapindus mukorossi Gaertn. Chem Pharm Bull (Tokyo). 1980;28(4):1183-8. doi: 10.1248/cpb.28.1183. PMID: 7418110.

5. Raghuvanshi P, Bagga R, Malhotra D, Gopalan S, Talwar GP. Spermicidal & contraceptive properties of Praneem polyherbal pessary. Indian J Med Res. 2001 Apr;113:135-41. PMID: 11558322.

6. Maikhuri JP, Dwivedi AK, Dhar JD, Setty BS, Gupta G. Mechanism of action of some acrylophenones, quinolines and dithiocarbamate as potent, non-detergent spermicidal agents. Contraception. 2003 May;67(5):403-8. doi: 10.1016/s0010-7824(03)00022-2. PMID: 12742565.

7. Ojha P, Maikhuri JP, Gupta G. Effect of spermicides on Lactobacillus acidophilus in vitro-nonoxynol-9 vs. Sapindus saponins. Contraception. 2003 Aug;68(2):135-8. doi: 10.1016/s0010-7824(03)00138-0. PMID: 12954526.

8. Tiwari, Santosh & Khan, Dr. Aleem & Ibrahim, Mohd & Habeeb, Mohd & Habibullah, C. (2006). Tiwari SK, Khan AA, Ibrahim M, Habeeb MA, Habibullah CMHelicobacter pylori and other Helicobacter species DNA in human bile samples from patients with various hepato-biliary diseases. World J Gastroenterol 12: 2181-2186. World journal of gastroenterology : WJG. 12. 2181-6. 

9. Ibrahim M, Khaja MN, Aara A, Khan AA, Habeeb MA, Devi YP, Narasu ML, Habibullah CM. Hepatoprotective activity of Sapindus mukorossi and Rheum emodi extracts: in vitro and in vivo studies. World J Gastroenterol. 2008 Apr 28;14(16):2566-71. doi: 10.3748/wjg.14.2566. PMID: 18442207; PMCID: PMC2708371.

10. Kuo, Y., Huang, H., Yang Kuo, L., Hsu, Y., Lee, K.H., Chang, F., & Wu, Y.C. (2005). New dammarane-type saponins from the galls of Sapindus mukorossi. Journal of agricultural and food chemistry, 53 12, 4722-7 .

11. Ambika Pradhan, Amitabha Bhattacharyya. Quest for an eco-friendly alternative surfactant: Surface and foam characteristics of natural surfactants. Journal of Cleaner Production, Volume 150, 2017, Pages 127-134. ISSN 0959-6526. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2017.03.013.

12. D’Souza P, Rathi SK. Shampoo and Conditioners: What a Dermatologist Should Know? Indian J Dermatol. 2015 May-Jun;60(3):248-54. doi: 10.4103/0019-5154.156355. PMID: 26120149; PMCID: PMC4458934.

13. El-Khordagui, L.K. & Badawey, Sara & Heikal, Lamia. (2021). Application of biosurfactants in the production of personal care products, and household detergents and industrial and institutional cleaners. 10.1016/B978-0-12-823380-1.00005-8.

14. Pavithra A., Muralidharan N. Antifungal comparison of Sapindus mukorossi and commercially available anti dandruff shampoo to against Candida albicans. Plant Cell Biotechnol. Mol. Biol. 2020;21:21–27. Retrieved from https://ikprress.org/index.php/PCBMB/article/view/5569.