Từ xa xưa, hà thủ ô đã được xem là một vị thuốc có ích cho sức khỏe. Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu thơ cổ “Muốn cho xanh tóc đỏ da / Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Thảo dược này được dùng để kéo dài tuổi thọ, trẻ hóa làn da, giúp tóc đen và ngăn rụng tóc. Tuy nhiên, sự thật có phải đúng như vậy?

Hà thủ ô là cây gì?

Hà thủ ô là một loại cây thảo dược, phân bố chủ yếu tại vùng Đông Á và Bắc Mỹ [1]. Ở Việt Nam, hà thủ ô có thể phân làm hai loại là hà thủ ô trắnghà thủ ô đỏ. Hà thủ ô đỏ mọc nhiều từ các vùng núi bắc, trong khi hà thủ ô trắng có thể mọc trải dài từ nam ra bắc.

Sự phân biệt này có được bởi màu sắc phần củ của chúng. Củ trắng bề mặt thường nhẵn, có đường vân. Trong khi đó, củ đỏ có vỏ sần sùi, nâu sậm. Trong nhiều nghiên cứu y học, hà thủ ô đỏ có phần nhiều dược tính hơn hẳn. Ở một số nước như Trung Quốc, thì hà thủ ô đỏ mới được xem là “hàng thật”. Trong bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến Hà thủ ô đỏ, và gọi là Hà thủ ô.

Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng các hợp chất chính, tức là 2,3,4′,5-tetrahydroxystilbene 2-O-β-D-glucopyranoside (THSG) và emodin có tác dụng bảo vệ gan, chống lão hóa và các hoạt động chống oxy hóa [2]. THSG và các stilbene cũng cho thấy tác dụng hạ lipid máu, trong khi emodin cho tác dụng chống ung thư, chống viêm và ức chế căng thẳng đáng kể.

Ngoài ra, các chất như polyphenolic, flavonoid, glycoside, tanin, steroid đã cho thấy tác dụng chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và bảo vệ mạch máu não đáng chú ý. Anthranoid có trong hà thủ ô giúp tăng mức độ nhu động của ruột, giải quyết các vấn đề khó tiêu, táo bón [3].

Như chén thánh trong y học phương Đông, hà thủ ô còn rất nhiều tác dụng như bồi bổ gan thận, làm giảm linh hoạt của trực khuẩn lao, phòng ngừa nguy cơ thiếu máu, tăng hoạt động estrogen …

ha thu o ho tro moc toc

Chăm sóc tóc với hà thủ ô như thế nào?

Một lợi ích to lớn của Hà thủ ô mà chúng ta cần nhắc đến đó là những tác dụng tuyệt vời của nó đối với tóc. Nhiều người tìm đến loại thảo dược này với mong muốn mọc tóc, ngăn chặn tóc bạc sớm.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 [4], các nhà khoa học đã thấy rằng chiết xuất từ củ Hà thủ ô hỗ trợ mọc tóc bằng cách kéo dài giai đoạn anagen, hủy bỏ tác dụng của androgen trong các tế bào nhú bì ở nang tóc. Một báo cáo khác cũng cho thấy tác dụng kích mọc tóc của Hà thủ ô thông qua cả đường uống hoặc bôi ngoài da ở thí nghiệm trên chuột, có cải thiện hơn khi không dùng bất kỳ chất gì [5]. THSG và emodin chính là những hợp chất mang lại lợi ích này, bởi đặc tính kích mọc tóc của chúng [6].

Thông thường, hà thủ ô được dùng để chăm sóc tóc bằng cách nấu uống hoặc làm dầu gội thiên nhiên. Bài thuốc kinh điển vẫn là nấu hà thủ ô chung với đậu đen, tuy nhiên khá phức tạp. Nếu mua củ tươi về để dùng, hãy rửa sạch và cắt thành từng miếng mỏng. Để khử đi vị chát, bạn có thể ngâm củ với nước vo gạo khoảng 1 ngày, rồi hãy cắt. Sau đó, mang đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Nếu bạn đã mua củ đã qua chế biến thành thành phẩm, thì chỉ cần rửa sạch trước khi chế biến. Thông thường liều lượng là 1kg củ và 200g đậu đen, đun một thời gian lâu cho hà thủ ô chín đều. Tách lấy lõi của hà thủ ô và đem đi phơi nắng một lần nữa cho khô hẳn, mang cất và bảo quản dùng dần. Tốt nhất là bạn cứ hỏi người bán cách điều chế hà thủ ô thật kỹ nhé.

bai thuoc ha thu o

Ngoài ra, hà thủ ô còn được sử dụng với sơn trà, thục địa, đương quy, kỷ tử hay ngâm rượu… để có tác dụng tốt hơn. Nhưng lưu ý, hà thủ ô nếu dùng không đúng cách qua đường uống sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn như chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy… Vì thế, hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước tiên để sử dụng đúng liều lượng.

Để đơn giản hơn, bạn cũng có thể tự làm nước gội hà thủ ô tại nhà. Về mặt dược tính, việc dùng ngoài da sẽ không mang đến đủ lợi ích như đường uống, nhưng vẫn cho được hiệu quả trông thấy. Nấu nước gội cũng khá đơn giản, bạn sử dụng 100g hà thủ ô, 5 – 6 trái bồ kết, có thể cho thêm hương nhu, vỏ bưởi. Nấu đến khi hà thủ ô chín thì để nguội rồi gội đầu. Duy trì sử dụng hằng ngày nếu bạn có thời gian để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

1. Bounda GA, Feng YU. Review of clinical studies of Polygonum multiflorum Thunb. and its isolated bioactive compounds. Pharmacognosy Res. 2015 Jul-Sep;7(3):225-36. doi: 10.4103/0974-8490.157957. PMID: 26130933; PMCID: PMC4471648.

2. Thoa NT, Dang NH, Giang DH, Thu Minh NT, Dat NT. Metabolomics Approach for Discrimination and Quality Control of Natural and Commercial Fallopia multiflora Products in Vietnam. Int J Anal Chem. 2020 Nov 6;2020:8873614. doi: 10.1155/2020/8873614. PMID: 33204273; PMCID: PMC7665924.

3. de Witte P. Metabolism and pharmacokinetics of anthranoids. Pharmacology. 1993 Oct;47 Suppl 1:86-97. doi: 10.1159/000139847. PMID: 8234447.

4. Shin JY, Choi YH, Kim J, Park SY, Nam YJ, Lee SY, Jeon JH, Jin MH, Lee S. Polygonum multiflorum extract support hair growth by elongating anagen phase and abrogating the effect of androgen in cultured human dermal papilla cells. BMC Complement Med Ther. 2020 May 12;20(1):144. doi: 10.1186/s12906-020-02940-5. PMID: 32398000; PMCID: PMC7218528.

5. Park HJ, Zhang N, Park DK. Topical application of Polygonum multiflorum extract induces hair growth of resting hair follicles through upregulating Shh and β-catenin expression in C57BL/6 mice. J Ethnopharmacol. 2011 May 17;135(2):369-75. doi: 10.1016/j.jep.2011.03.028. Epub 2011 Mar 17. PMID: 21419834.

6. Ling S, Xu JW. Biological Activities of 2,3,5,4′-Tetrahydroxystilbene-2-O-β-D-Glucoside in Antiaging and Antiaging-Related Disease Treatments. Oxid Med Cell Longev. 2016;2016:4973239. doi: 10.1155/2016/4973239. Epub 2016 Jun 20. PMID: 27413420; PMCID: PMC4931083.