Dầu gội thảo dược không có chứa các thành phần tổng hợp như paraben, các loại muối sulfate và silicone được đánh giá là thân thiện hơn với da và môi trường. Thời gian gần đây, nhu cầu về các sản phẩm dầu gội đầu có chiết xuất từ thực vật ngày càng tăng cao bởi niềm tin chúng có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Các thành phần từ thiên nhiên không độc hại, không phá vỡ độ pH tự nhiên, dịu nhẹ, cân bằng bã nhờn và hệ vi sinh trên da đầu.

Dầu gội thảo dược và dầu gội tổng hợp

“Cái răng cái tóc là gốc con người”, câu tục ngữ từ ngàn xưa đã cho thấy sự coi trọng vẻ đẹp của tóc. Vì thế mà các sản phẩm chăm sóc tóc, dưỡng tóc và da đầu luôn có mặt từ các trung tâm thương mại sang trọng cho đến các tiệm tạp hóa gần nhà nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của mọi người.

Dầu gội đầu ban đầu được sử dụng với mục đích làm sạch tóc và da đầu, loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn và các chất có hại khác tích tụ trên mái tóc. Trải qua hàng chục năm, dầu gội thương mại hiện nay có sự tiến hóa như bổ sung các lợi ích đi kèm như duy trì độ ẩm của tóc, giúp tóc bóng mượt, dễ dàng tạo nếp cho tóc, ngăn rụng tóc hay giảm gàu rõ rệt.

nhieu loai dau goi tren thi truong
Có đến hàng ngàn loại dầu gội đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại dầu gội và chúng được tiếp thị dựa trên mục đích sử dụng hay các chức năng đi kèm. Chẳng hạn như các loại sản phẩm sử dụng hằng ngày dành cho mọi loại tóc giúp tóc tươi mới, sạch sẽ, mềm mượt và duy trì da đầu khỏe mạnh. Các loại dầu gội dưỡng tóc làm sạch tóc, dưỡng ẩm và giúp tóc dễ dàng tạo kiểu. Các loại dầu giảm gàu có thể có một số thành phần được xem là thuốc nhằm điều trị nhiễm nấm trên da đầu, ức chế sự phát triển của nấm hay vi khuẩn gây gàu. Loại dầu gội chống rụng tóc giúp loại bỏ tế bào chết, bã nhờn trên da đầu, nuôi dưỡng chân tóc và củng cố sự chắc khỏe trên thân tóc, thúc đẩy da đầu khỏe mạnh và giảm rụng tóc. Hay các sản phẩm chăm sóc tóc cho em bé được thiết kế dành cho da đầu mỏng manh, sử dụng thành phần ít gây kích ứng cho mắt và da. Ngoài ra, dầu gội khô sử dụng thành phần bột để thấm hút các loại bụi bẩn, dầu nhờn trên tóc và da đầu mà không cần đến nước.

Phần lớn các loại dầu gội thương mại có mặt trên thị trường đều được sản xuất bằng các thành phần tổng hợp. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra nguy cơ tác động tiêu cực lên sức khỏe từ việc tiếp xúc với các thành phần tổng hợp một cách thường xuyên. Chẳng hạn các chất SLS/SLES có thể gây kích ứng da, bong tróc da đầu dẫn đến gàu, dị ứng nhẹ ở nồng độ thấp dưới 10% [1][2]; chất selenium sulphide các tác dụng chống gàu nhưng lại gây ra hiện tượng ăn mòn nang tóc làm tóc dễ gãy rụng [3][4]; TEA, DEA, MEA hay CDEA gây ra tình trạng nhạy cảm trên da [5][6] và có thể gây ra ung thư khi tiếp xúc liên tục với DEA ngay cả ở liều lượng thấp [7][8]; formaldehyde có trong các sản phẩm uốn duỗi tóc gây ra viêm da tiếp xúc và tác động gây ung thư (bạn có thể tìm hiểu formaldehyde là gì mà Kiến đã viết)…

nguon nuoc o nhiem
Dầu gội có hóa chất thải ra gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật xung quanh

Không chỉ vậy, các thành phần có nguồn gốc từ dầu mỏ làm cho việc khai thác dầu mỏ tăng cao, dễ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường [9]. Các thành phần khi thải ra khi gội đầu có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước sạch của nhiều người. Các chất hoạt động bề mặt tổng hợp và vi nhựa có thể phá vỡ hệ sinh thái dưới nước, ảnh hưởng đến sự sống của nhiều loài động vật [10].

Trong thời đại thông tin dễ dàng tiếp cận và lan tỏa nhanh như hiện nay, có rất nhiều người tiêu dùng nhận thức được các tác dụng phụ của sản phẩm công nghiệp. Từ đó mà nhu cầu của họ đối với các sản phẩm chăm sóc tóc được chứng minh là có chứa các thành phần chiết xuất từ thực vật đang tăng lên đáng kể. Các dầu gội đầu từ thành phần tự nhiên cũng có các hoạt tính sinh học như chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm… [11][12] mang lại hiệu quả thật sự cho việc chăm sóc tóc và có tính bền vững sinh thái, an toàn khi thải ra ngoài môi trường.

Sản phẩm chăm sóc tóc có nguồn gốc từ thiên nhiên có thể đóng góp vào việc phát triển môi trường tự nhiên bền vững. Các thành phần tự nhiên tự phân hủy sinh học giúp bảo vệ tài nguyên nước và việc đa dạng sinh học. Nhu cầu về các loại dầu gội thảo dược thiên nhiên thân thiện với môi trường cũng có thể góp phần vào việc bảo vệ tính bền vững của môi trường.

Các loại thảo dược chăm sóc tóc có ngay trong vườn nhà bạn

Hiện nay, các thành phần chiết xuất thực vật đã dần được đưa vào các sản phẩm chăm sóc tóc như dầu gội và dầu xả. Nhu cầu về dầu gội thảo dược đang có dấu hiệu tăng đột biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bởi chúng hạn chế hóa chất và thân thiện với môi trường. Một phần cũng là do nền y học truyền thống từ lâu đời tại châu Á như các nước văn hóa Đông Á, Unani, hay hệ thống y học Ayurveda đã sử dụng các nguồn thảo dược để chăm sóc tóc từ thời cổ đại [13][14]. Các loại chiết xuất từ thực vật được sử dụng dưới dạng bột, thuốc sắc hay nước ép.

Từ thời xa xưa, người Việt chúng ta cũng đã biết sử dụng các nguồn thảo mộc có sẵn ngay trong vườn, hoặc đi kiếm trong rừng gần nhà để chăm sóc cho mái tóc khỏe đẹp. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều cách nấu dầu gội tại nhà bằng những loại cây cỏ dễ tìm như bồ kết, bồ hòn, mần trầu, tía tô, vỏ bưởi, sả…

nuoc goi dau thao duoc ngay xua
Các cách nấu nước gội đầu được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ. Nguồn: Sưu tầm trên Internet.

Đầu tiên phải kể đến bồ kếtbồ hòn, 2 loại cây hầu như đều có trong vườn quê. Quả của chúng có chứa chất saponin, đóng vai trò là chất hoạt động bề mặt tự nhiên, làm sạch và loại bỏ bã nhờn trên tóc nhưng chúng sẽ tạo ra ít bọt hơn so với thành phần tổng hợp. Tuy nhiên, việc nhiều hay ít bọt không có nghĩa là làm sạch tốt hay kém. Chất làm sạch tự nhiên này ít có khả năng gây kích ứng khô da nên phù hợp với cả da đầu nhạy cảm, không làm mất đi lớp dầu tự nhiên của tóc, duy trì độ ẩm tự nhiên của tóc [15].

Cỏ mần trầu đã quá quen thuộc khi chúng xuất hiện nhan nhản như loại cỏ dại từ Bắc đến Nam. Trong chiết xuất cỏ mần trầu có chứa các chất chống oxy hóa như alkaloid, flavonoid, phenol… Khả năng kháng khuẩn của mần trầu cũng được đề cập trong một vài nghiên cứu và được ứng dụng trong các bài thuốc hạ sốt. Hàm lượng flavonoid dồi dào giúp các nang tóc luôn khỏe mạnh, thân tóc óng mượt. Cùng với beta-sitosterol có khả năng hỗ trợ tóc mọc nhanh chóng.

Tía tô là một loại rau mùi xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt. Tía tô có tinh dầu dễ bay hơi như geraniol, limonene, farnesene, nerolidol… có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm trên da đầu. Các chất chống oxy hóa như luteolin, apigenin, luteolin-7- O -glucuronide được tìm thấy trong chiết xuất tía tô góp phần làm chậm quá trình lão hóa nang tóc, giúp chân tóc chắc khỏe, giảm tình trạng rụng tóc đáng kể. Các loại phenolic acid có trong thân và lá tía tô giúp giảm tình trạng viêm da, chống dị ứng, thúc đẩy tóc tăng trưởng và cũng giảm rụng tóc.

Các loại thảo mộc như hương nhu, sả chanh hay vỏ bưởi mang đến các loại tinh dầu có lợi cho việc chăm sóc mái tóc và da đầu. Tinh dầu hương nhu mang đến đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa giúp tóc chắc khỏe. Tinh dầu vỏ bưởi với lượng limonene dồi dào giúp kháng khuẩn, làm sạch da đầu, giảm gàu và cân bằng hệ vi sinh trên da đầu. Khi kết hợp với tinh dầu hương nhu, hỗn hợp này còn có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu trên da đầu, giúp nang tóc khỏe mạnh, thúc đẩy sự phát triển của tóc. Hay tinh dầu sả chanh với các hợp chất terpene giúp cân bằng độ pH trên da đầu, giảm tình trạng khô và ngứa, loại bỏ vi khuẩn gây mùi giúp mái tóc luôn tươi mát. Những tinh dầu này cũng giúp cho tóc bóng mượt một cách tự nhiên thay vì sự óng ả bởi chất làm mượt nhân tạo từ silicone có trong dầu gội tổng hợp.

Ngoài ra, các cây thảo mộc khác như gừng, quế, quả chanh khi nấu nước gội đầu cũng góp phần giúp cho da đầu sạch sẽ, mái tóc bóng mượt và tránh được các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như tia UV, bụi bẩn, nước cứng…

dau goi thao duoc giup thu gian
Dầu gội thảo dược không chỉ giúp tóc sạch và chắc khỏe mà còn giúp người dùng thư giãn bởi hương thơm tự nhiên.

Dầu gội thảo dược có tác dụng phụ nào không?

Dầu gội hay dầu xả từ các loại chiết xuất thực vật mang đến nhiều lợi ích cho mái tóc và da đầu. Chúng phù hợp với hầu hết các loại tóc, giảm gàu hiệu quả, giúp tóc bóng mượt mà không cần nhờ đến các thành phần tạo mượt. Một số thành phần có dược tính, thẩm thấu được nên có khả năng thúc đẩy mọc tóc, nuôi dưỡng nang tóc và giảm rụng. Và trên hết, sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên và hạn chế hóa chất, nên các loại dầu gội thảo dược rất thân thiện với môi trường, hầu như không gây ô nhiễm hay tác động đến môi trường sống của động vật xung quanh.

Tuy nhiên, các loại thảo mộc đều có thời gian nấu hay cách chiết xuất khác nhau. Việc cùng bỏ chung nguyên liệu vô một nồi và nấu có thể làm giảm dược tính của hỗn hợp gội đầu. Một số chất như tinh dầu có thể gây ra kích ứng da như ngứa hay bỏng rát nếu sử dụng ở dạng đậm đặc không pha loãng. Đôi khi, một số người có thể bị dị ứng bởi một vài thành phần nhất định [16]. Do đó, khi sản xuất dầu gội từ chiết xuất thực vật, tinh dầu, phụ gia thảo dược hay tự nấu ở nhà đều cần có công thức và cách sử dụng phù hợp để đảm bảo an toàn.

Tựu chung lại, các sản phẩm chăm sóc tóc có chiết xuất thực vật như dầu gội thảo dược đang nổi lên và dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Chúng đóng vai trò như những sản phẩm bền vững, tự nhiên, không chứa hóa chất và an toàn với môi trường. Các nhà sản xuất cũng đang đầu tư rất nhiều vào việc nghiên cứu, phát triển các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật thay vì hóa chất tổng hợp để tạo ra các loại dầu gội giải quyết nhiều vấn đề về mái tóc như ngứa, gàu, rụng tóc, kích ứng da đầu.

Tài liệu tham khảo

1. Chandra Ade-Browne, Marzieh Mirzamani, Arnab Dawn, Shuo Qian, Ryan G. Thompson, Robert W. Glenn, Harshita Kumari, Effect of ethoxylation and lauryl alcohol on the self-assembly of sodium laurylsulfate: Significant structural and rheological transformation, Colloids and Surfaces A: Physicochemical and Engineering Aspects, Volume 595, 2020, 124704, ISSN 0927-7757, https://doi.org/10.1016/j.colsurfa.2020.124704.

2. Turner GA, Hoptroff M, Harding CR. Stratum corneum dysfunction in dandruff. Int J Cosmet Sci. 2012 Aug;34(4):298-306. doi: 10.1111/j.1468-2494.2012.00723.x. Epub 2012 May 17. PMID: 22515370; PMCID: PMC3494381.

3. ARCHER VE, LUELL E. Effect of selenium sulfide suspension on hair roots. J Invest Dermatol. 1960 Aug;35:65-7. PMID: 13794081.

4. Gilbertson K, Jarrett R, Bayliss SJ, Berk DR. Scalp discoloration from selenium sulfide shampoo: a case series and review of the literature. Pediatr Dermatol. 2012 Jan-Feb;29(1):84-8. doi: 10.1111/j.1525-1470.2011.01410.x. Epub 2011 Mar 31. PMID: 21453309.

5. Silva EA, Bosco MR, Mozer E. Study of the frequency of allergens in cosmetics components in patients with suspected allergic contact dermatitis. An Bras Dermatol. 2012 Mar-Apr;87(2):263-8. doi: 10.1590/s0365-05962012000200011. PMID: 22570031.

6. Lessmann H, Uter W, Schnuch A, Geier J. Skin sensitizing properties of the ethanolamines mono-, di-, and triethanolamine. Data analysis of a multicentre surveillance network (IVDK) and review of the literature. Contact Dermatitis. 2009 May;60(5):243-55. doi: 10.1111/j.1600-0536.2009.01506.x. PMID: 19397616.

7. Stott WT, Bartels MJ, Brzak KA, Mar M, Markham DA, Thornton CM, Zeisel SH. Potential mechanisms of tumorigenic action of diethanolamine in mice. Toxicol Lett. 2000 Apr 3;114(1-3):67-75. doi: 10.1016/s0378-4274(99)00197-6. PMID: 10713470.

8. Leung HW, Kamendulis LM, Stott WT. Review of the carcinogenic activity of diethanolamine and evidence of choline deficiency as a plausible mode of action. Regul Toxicol Pharmacol. 2005 Dec;43(3):260-71. doi: 10.1016/j.yrtph.2005.08.001. Epub 2005 Sep 26. PMID: 16188361.

9. Mori, Ryohei, Replacing all petroleum-based chemical products with natural biomass-based chemical products: a tutorial review, RSC Sustain, 2023, Volume 1, Issue 2, Pages 179-212, RSC. https://doi.org/10.1039/D2SU00014H.

10. Cubas ALV, Bianchet RT, Reis IMASD, Gouveia IC. Plastics and Microplastic in the Cosmetic Industry: Aggregating Sustainable Actions Aimed at Alignment and Interaction with UN Sustainable Development Goals. Polymers (Basel). 2022 Oct 28;14(21):4576. doi: 10.3390/polym14214576. PMID: 36365573; PMCID: PMC9657586.

11. Guzmán, E.; Lucia, A. Essential Oils and Their Individual Components in Cosmetic Products. Cosmetics 2021, 8, 114. https://doi.org/10.3390/cosmetics8040114

12. Giustra M, Cerri F, Anadol Y, Salvioni L, Antonelli Abella T, Prosperi D, Galli P and Colombo M (2022) Eco-luxury: Making sustainable drugs and cosmetics with Prosopis cineraria natural extracts. Front. Sustain. 3:1047218. doi: 10.3389/frsus.2022.1047218

13. Gamage DGND, Dharmadasa RM, Abeysinghe DC, Wijesekara RGS, Prathapasinghe GA, Someya T. Ethnopharmacological Survey on Medicinal Plants Used for Cosmetic Treatments in Traditional and Ayurveda Systems of Medicine in Sri Lanka. Evid Based Complement Alternat Med. 2021 Jun 26;2021:5599654. doi: 10.1155/2021/5599654. PMID: 34257686; PMCID: PMC8257331.

14. Patel S, Sharma V, Chauhan NS, Thakur M, Dixit VK. Hair Growth: Focus on Herbal Therapeutic Agent. Curr Drug Discov Technol. 2015;12(1):21-42. doi: 10.2174/1570163812666150610115055. PMID: 26058803.

15. Fernández-Peña, L.; Guzmán, E. Physicochemical Aspects of the Performance of Hair-Conditioning Formulations. Cosmetics 2020, 7, 26. https://doi.org/10.3390/cosmetics7020026

16. Chew YL, Khor MA, Lim YY. Choices of chromatographic methods as stability indicating assays for pharmaceutical products: A review. Heliyon. 2021 Mar 27;7(3):e06553. doi: 10.1016/j.heliyon.2021.e06553. PMID: 33855234; PMCID: PMC8027279.