Việt Nam là một đất nước có thảm thực vật vô cùng phong phú, với khoảng 12000 loài khác nhau [1]. Nhiều loài cỏ có những dược tính không ngờ đến, được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền ở nước ta. Trong đó, cỏ mần trầu thường có mặt trong những thang thuốc nam để giúp làm đẹp da, bổ máu, giải độc gan. Không những thế, cỏ mần trầu còn có lợi ích rất lớn trong việc chăm sóc tóc.
Tìm hiểu về dược tính của cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu có pháp danh khoa học là Eleusine indica, thuộc họ Hòa thảo – Lúa (Poaceae), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Với khả năng thích nghi cao trong nhiều điều kiện môi trường, cỏ mần trầu được phân bố trải dài từ Bắc vào Nam ở nước ta. Loại cỏ này khá khó bị tiêu diệt triệt để nếu trong vườn có sự xuất hiện của chúng.
Trong y học cổ truyền Việt Nam, cỏ mần trầu được sử dụng để trị bí tiểu, giải nhiệt, nhuận tràng, giải độc gan, cao huyết áp, lao phổi… [2][3]. Tất cả các bộ phận của cây này đều có dược tính. Nhiều nghiên cứu cho thấy, loại cây này chứa các chất biến dưỡng thứ cấp như alkaloid, flavonoid, phenol, steroid, tanin, coumarin, saponin… giúp mần trầu có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa [4][5].
Khả năng kháng khuẩn
Chiết xuất mần trầu trong dung môi hexan có hoạt tính kháng khuẩn đáng chú ý đối với Staphylococcus aureus (MRSA) và Pseudomonas aeruginosa.
Bảo vệ chức năng gan và thận
Trong dân gian, cỏ mần trầu được sử dụng kết hợp với một bài dược liệu khác để hỗ trợ lợi tiểu. Y học hiện đại cũng đã có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, mần trầu có tác dụng tốt trong việc bảo vệ chức năng gan và thận, hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, giảm nồng độ cholesterol toàn phần [6][7].
Kháng viêm, hạ sốt
Trong một thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã phát hiện mần trầu với hoạt chất C-glycosylflavone có tác dụng chống viêm đối với viêm đường thở, chẳng hạn như cúm và viêm phổi. Trong một nghiên cứu khác tại Nam Phi, dịch chiết mần trầu có tác dụng hạ sốt rõ rệt [8].
Hạ huyết áp
Trong các bài thuốc dân gian, cỏ mần trầu được sử dụng để phòng ngừa cao huyết áp. Chưa có nhiều nghiên cứu về điều này, nhưng đã có nhiều người sử dụng và thấy hiệu quả. Bạn có thể tìm hiểu qua cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn [3].
Ngoài ra, cỏ mần trầu còn được kết hợp với các thành phần thảo dược khác như kim tiền thảo, tầm gửi… để giúp giải độc, đào thải độc tố qua thận. Đã có nhiều sản phẩm được điều chế từ cỏ mần trầu và có mặt trên thị trường dược phẩm.
Chăm sóc tóc với cỏ mần trầu như thế nào?
Sở hữu nhiều dược tính kể trên, cỏ mần trầu có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc, làm chậm quá trình bạc tóc hay thúc đẩy mọc tóc. Hàm lượng flavonoid khá dồi dào giúp mần trầu có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa, tăng lưu thông máu lên các vùng da đầu, nang tóc được cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng tóc chắc khỏe và óng mượt. Hơn nữa, beta-sitosterol có trong cỏ mần trầu không chỉ ngăn ngừa rụng tóc, còn có tác dụng thúc đẩy tóc mọc nhanh chóng [9].
Trong dân gian có lưu truyền các phương pháp làm nước gội từ cỏ mần trầu. Bạn có thể tham khảo một số cách bên dưới.
Làm nước gội từ cỏ mần trầu tươi
Cỏ mần trầu sau khi thu hoạch cần rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, bùn đất. Bạn đun 200 gram mần trầu tươi đã cắt rễ với khoảng 2 lít nước, khi nước sôi thì cho đun nhỏ lửa trong vòng 15 phút. Chắt riêng phần nước dùng để sử dụng.
Đầu tiên, bạn gội sạch đầu với dầu gội sử dụng hằng ngày. Hong khô tóc xong, hãy dùng bông y tế chấm nước cốt cỏ mần trầu lên toàn bộ vùng da đầu và chân tóc. Massage nhẹ nhàng từ trong khoảng 10 phút để các chất có trong nước gội mần trầu thấm sau vào tóc. Nếu có thời gian, bạn có thể làm thêm một lần nữa. Để tóc khô tự nhiên và không cần phải gội lại bằng nước sạch.
Có thể thực hiện việc này đều đặn 3 lần/tuần và trong vòng 1 đến 2 tháng để thấy hiệu quả giảm rụng rõ rệt.
Đun nước gội mần trầu với vỏ bưởi, hương nhu và bồ kết
Thành phần chính của bồ kết là saponin có tác dụng tạo bọt, làm sạch da đầu. Trong khi đó, hương nhu với hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên có khả năng kháng khuẩn, bảo vệ chân tóc khỏe mạnh, kích thích lưu thông máu trên da đầu. Vỏ bưởi có hàm lượng tinh dầu bưởi cao nên có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm làm sạch da đầu và trị gàu rất hiệu quả. Mần trầu có tác dụng làm mượt tóc, giảm rụng tóc. Kết hợp các nguyên liệu này lại với nhau sẽ thu được nước gội đầu có tác dụng rất tốt trong việc giảm gãy rụng cho tóc, giảm ngứa da đầu, cung cấp dưỡng chất cho nang tóc, giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe và dày hơn.
Bạn chuẩn bị 1 nắm cỏ mần trần đã làm sạch, 1 nắm hương nhu, 5 – 6 trái bồ kết đã nướng thơm và vỏ của một trái bưởi. Cho các nguyên liệu vào nồi đun sôi với nước. Nước sôi vặn nhỏ lửa và nấu tiếp trong vòng 5 phút. Sử dụng phần nước thu được để gội đầu thay thế dầu gội bạn sử dụng hằng ngày.
Lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu
Đối với cỏ mần trầu, bạn cần nên lưu ý một vài điều sau:
- Cỏ mần trầu là loài mọc dại, vì thế bạn cần rửa sạch để loại bỏ bùn đất hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đọng lại trên cây.
- Để mang lại hiệu quả, bạn cần thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần và kiên trì áp dụng trong vòng 2 – 3 tháng.
- Khi sử dụng nước gội thảo dược, bạn cần massage nhẹ nhàng da đầu. Hong khô tóc không sử dụng máy sấy để tránh tóc bị xơ rối.
Tài liệu tham khảo
1. GS.TS Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM, 1999.
2. Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam V, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2017
3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2003
4. Al-Zubairi AS, Abdul AB, Abdelwahab SI, Peng CY, Mohan S, Elhassan MM. Eleucine indica Possesses Antioxidant, Antibacterial and Cytotoxic Properties. Evid Based Complement Alternat Med. 2011;2011:965370. doi: 10.1093/ecam/nep091. Epub 2011 Jun 5. PMID: 19617201; PMCID: PMC3137868.
5. Phương, N. N. T., Đức, T. H., Phương, P. T., Tài, N. H. T., & Độ, N. Đ. (2017). Khảo sát hàm lượng flavonoid, alkaloid và khả năng kháng khuẩn của cao chiết cỏ Mần Trầu (Eleusine indica). Tạp chí Khoa học Đại học cần Thơ, (53), 54-60. https://doi.org/10.22144/ctu.jvn.2017.157
6. Huguette, Tchoupou & Esther, Ngo Lemba Tom & Ngueguim, Florence & Farouck, Aboubakar & Joseph, Njiaza & Théophile, Dimo. (2019). Preventive effects of aqueous extract of the whole plant of Eleusine indica (Linn) Gaertn. (Poaceae) against L-NAME induced nephrotoxicity in rat. The Journal of Phytopharmacology. 8. 28-32. 10.31254/phyto.2019.8107.
7. Ong SL, Nalamolu KR, Lai HY. Potential Lipid-Lowering Effects of Eleusine indica (L) Gaertn. Extract on High-Fat-Diet-Induced Hyperlipidemic Rats. Pharmacogn Mag. 2017 Jan;13(Suppl 1):S1-S9. doi: 10.4103/0973-1296.203986. Epub 2017 Apr 7. PMID: 28479718; PMCID: PMC5407099.
8. Sharma, Ajitha & Sharma, Devasya. (2015). Tinospora cordifolia Enhances Vyadhikshamatwa (immunity) in Children. The Journal of Phytopharmacology. 4. 227-230. 10.31254/phyto.2015.4408.
9. Zahari, Zuriati & Rahim, Norina & Yusoff, Juliana & Salim, Fatimah & Sukor, Syahirah. (2022). Chemical Constituents and Antiproliferative Activity of Eleusine indica. Sains Malaysiana. 51. 873-882. 10.17576/jsm-2022-5103-21.