Trong nhiều năm trở lại đây, BHA (beta hydroxy acid), hoặc sự kết hợp giữa AHA và BHA, xuất hiện thường xuyên dưới dạng thành phần trong các sản phẩm chăm sóc da.
Tổng quan về BHA
Mặc dù cả AHA và BHA đều hoạt động như chất tẩy tế bào chết, nhưng nhiều người khẳng định rằng BHA có hiệu quả trong việc làm giảm sự xuất hiện của đường nhăn và nếp nhăn, đồng thời cải thiện kết cấu da tổng thể mà ít gây kích ứng so với việc sử dụng AHA một cách thường xuyên [1].
Thành phần BHA có thể được liệt kê như sau:
- Salicylic acid (hoặc các chất liên quan, chẳng hạn như salicylate, sodium salicylate và chiết xuất cây liễu)
- Beta hydroxybutanoic acid
- Tropic acid
- Trethocanic acid
Hiện nay, BHA được sử dụng phổ biến nhất trong mỹ phẩm là salicylic acid. Trong một số trường hợp hiếm hoi, citric acid cũng được liệt vào BHA trong công thức mỹ phẩm. Tuy nhiên, thông thường thì citric acid là được phân loại là AHA.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, các sản phẩm có chứa salicylic acid nên chứa kem chống nắng hoặc có hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các loại kem chống nắng khác.
Lợi ích chung của AHA và BHA
Một trong những lợi ích được biết đến nhiều nhất của hydroxy acid là khả năng cải thiện làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, AHA và BHA hoạt động theo những cách khác nhau
- AHA hoạt động bằng cách giảm nồng độ ion canxi trong da, thúc đẩy sự bong tróc của các tế bào da trên bề mặt.
- BHA cũng là chất làm bong tróc da, nhưng salicylic acid còn có tác dụng kháng khuẩn bổ sung.
AHA với BHA khác nhau như thế nào
Cả 2 đều là chất tẩy da chết, nhưng mỗi loại hydroxy acid có các đặc tính khác, giúp chúng phù hợp hơn để điều trị một số tình trạng da hoặc cải thiện một số đặc điểm nhất định của da.
So với AHA (glycolic acid), salicylic acid gây ra ít kích ứng hơn [2]. Một điểm khác biết nữa giữa AHA và BHA là BHA làm tăng khả năng chống chịu của da trước tác hại của tia cực tím và còn có tác dụng kháng khuẩn. Tác dụng kháng khuẩn của BHA khiến chúng trở thành thành phần thích hợp cho các sản phẩm trị mụn.
AHA cung cấp khả năng tẩy da chết tích cực hơn [3], có thể thích hợp hơn cho việc sửa chữa làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và cải thiện ảnh hưởng của lão hóa da. AHA cũng có tác dụng lên việc sản xuất collagen và procollagen, đây là những chất có thể cải thiện sự xuất hiện của làn da bị tổn thương do ánh sáng. Vì AHA có tác dụng mạnh hơn, nên việc sử dụng chúng cần thận trọng vì có khả năng làm tăng nhạy cảm của làn da đối với ánh nắng mặt trời.
Chọn loại nào?
BHA dường như hiệu quả hơn trong việc điều trị các tình trạng da như mụn trứng cá vì đặc tính kháng khuẩn của nó.
Trong khi đó, AHA như glycolic acid hay lactic acid có thể hiệu quả trong điều trị các tình trạng thay đổi màu da như nám, tàn nhang và tăng sắc tố sau viêm [2]. Các chuyên gia da liễu tin rằng tác dụng nhanh hơn của AHA khiến nó trở thành lựa chọn cải thiện màu da tốt hơn so với các sản phẩm có chứa BHA.
Ngoài ra, do cơ chế hoạt động tích cực hơn của AHA và các hiệu ứng về collagen [3], những người muốn cải thiện làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc lão hóa có thể thích các sản phẩm có chứa AHA. Lactic acid, một loại AHA, là một loại kem dưỡng ẩm tuyệt vời.
Tuy nhiên, phần lớn kết quả được thu thập từ các nghiên cứu mà những người tham gia có tông màu da sáng hơn. Sự an toàn và hiệu quả của những sản phẩm này ở những người có tông màu da tối hơn cần được nghiên cứu thêm.
Cách sử dụng BHA
Các sản phẩm có chứa BHA, chẳng hạn như salicylic sẽ an toàn nếu công thức của sản phẩm được thiết kế để vừa tránh kích ứng da, vừa tránh tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
- Thử nghiệm các sản phẩm có chứa BHA trên một vùng da nhỏ trước khi thoa lên bề mặt da lớn hơn.
- Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.
- Tránh vượt quá các chỉ định được đề xuất
- Tránh sử dụng các sản phẩm da có chứa BHA cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Sử dụng thêm KCN khi sử dụng sản phẩm có chứa BHA
Làm sao để kết hợp AHA và BHA
Vì cả AHA và BHA đều là chất tẩy da chết nên chúng có thể gây kích ứng da nếu kết hợp với nhau. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ da liễu nếu muốn sử dụng kết hợp.
Các sản phẩm Hydroxy Acid cũng có thể không cần sử dụng hằng ngày. Điều này có thể giúp giảm kích ứng da nếu mọi người sử dụng nhiều hơn một sản phẩm.
Tài liệu tham khảo
1. Beta Hydroxy Acids, U.S. Food and Drug Administration (https://www.fda.gov/).
2. Kornhauser A, Coelho SG, Hearing VJ. Applications of hydroxy acids: classification, mechanisms, and photoactivity. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2010 Nov 24;3:135-42. doi: 10.2147/CCID.S9042. PMID: 21437068; PMCID: PMC3047947.
3. Tang SC, Yang JH. Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin. Molecules. 2018 Apr 10;23(4):863. doi: 10.3390/molecules23040863. PMID: 29642579; PMCID: PMC6017965.